Lớp học đặc biệt

27/11/2009 14:09 GMT+7

Một ngày làm việc của các cô giáo tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Q.4 (TP.HCM) thường bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng đến 4 giờ chiều. Thực tế, hầu như ngày nào các cô cũng phải đi sớm, về muộn hơn để chăm nom những học sinh đặc biệt của mình.

Cô Trương Thị Thanh Nga (27 tuổi) cho hay: “Một ngày của các em thường bắt đầu với bài tập thể dục và học. Giờ học ở đây không chỉ là học chữ mà học đủ thứ. Em nào biết chữ thì học chữ, em nào chưa biết đi thì học đi, chưa biết nói thì học nói. Sau đó, các em tiếp tục học kỹ năng tự lực như vệ sinh thân thể, đánh răng, rửa mặt... Buổi chiều là thời gian học nghề. Trẻ câm, điếc thì học may, trẻ chậm phát triển trí tuệ hay bị hội chứng Down thì được các cô dạy kết cườm, dạy làm chổi...”.

Lớp của cô Nga có 12 học sinh trong độ tuổi từ 4 - 23 tuổi. Do hầu hết bị hội chứng Down và chậm phát triển trí tuệ nên các em không biết tự phục vụ bản thân. Có em 10 tuổi nhưng phải mặc tã hằng ngày do tiểu tiện liên tục; có em 23 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như trẻ lên 3... Vừa đút cơm cho một học sinh nhỏ nhất lớp, cô cho biết: “Bé này tên Tina Trần, 4 tuổi. Lúc mới vô trường bé không biết nói, không biết đi, không chịu ngủ, cũng không chịu ăn”. Tuy cô Nga khoe Tina Trần đã giỏi hơn nhiều so với trước đây nhưng thỉnh thoảng bé vẫn vừa khóc vừa phun thức ăn ra ngoài, tỏ ý không chịu. Khi cô năn nỉ: “Con nuốt, cô thương nhé!”, bé chợt mỉm cười ngây ngô, gật gật đầu tỏ vẻ vui mừng.

TP.HCM hiện có 26 trường chuyên biệt và 516 trường học có chương trình giáo dục hòa nhập, đón nhận hơn 5.000 học sinh thiểu năng, khuyết tật.

Quản một lớp 12 học sinh thiểu năng, các cô giáo ở đây cho rằng cứ như quản 12 lớp vì mỗi học sinh thiểu năng là một cá thể đặc biệt khác nhau. Lúc học chữ thì lớp chia theo 4 nhóm trình độ. Trình độ cao nhất là 1 em đã biết phép nhân chia đơn giản, rồi đến nhóm học lớp 1, nhóm chưa biết chữ, nhóm chưa biết nói. Hướng dẫn xong nhóm này thì cô giáo lại xoay sang nhóm khác. Cứ vậy mà lớp học tiếp diễn ồn ào, không lúc nào im lặng.

Theo bà Trương Thị Lợi, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Q.4 - người được các em học sinh trìu mến gọi là “cô Bảy”, thì: “Dạy dỗ trẻ thiểu năng, khuyết tật thì ngoài tình yêu trẻ của giáo viên, còn cần cả sự quan tâm nhiều hơn của xã hội, nhất là gia đình các em. Trường không phải là nơi giữ trẻ mà chúng tôi chỉ dạy các em biết chữ, biết các kỹ năng tự lực, biết nghề để giúp các em hòa nhập với cộng đồng”.

 Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.