Lớp học giữa trùng khơi

22/02/2013 10:46 GMT+7

Ngoài hoàn thành nhiệm vụ nắm chắc tay súng giữ biển trời, các chiến sĩ Đồn biên phòng 704 ở đảo Hòn Chuối (Cà Mau) còn kiêm luôn việc gieo chữ cho con em dân đảo.

Ươm mầm trên đảo

Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau), cách đất liền 17 hải lý, có diện tích 1,4 km2, với độ cao 150 m so với mực nước biển. Trên đảo hiện có 31 hộ dân, với 132 nhân khẩu chủ yếu sống bằng nghề đi biển. Sống trong điều kiện như thế nên việc học hành, đi lại của các em còn gặp nhiều khó khăn. Thấy cần thiết phải đem con chữ đến cho các em, các chiến sĩ quyết tâm mở lớp học tình thương. Thầy giáo chủ yếu là các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang đóng quân trên đảo. Lớp học chỉ 19 học sinh, với đủ lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 4. Nói là lớp, nhưng thực ra chỉ là cái phòng nhỏ chật chội của Đồn biên phòng 704 ngày trước. Vài năm trở lại đây, do nhu cầu học tập ngày càng tăng, nên Đồn biên phòng đã lấy đó làm nơi “cắm bảng” cho con em dân đảo.

 Hôm đến thăm lớp học, tiếng các em đánh vần từng con chữ vang vọng giữa trùng khơi. Chúng tôi gặp anh Ngô Hoàng Anh (32 tuổi) đang đứng lóng ngóng ngoài cửa lớp đợi đón 2 con. Anh cho biết cuộc sống nghèo khó, quanh năm anh chỉ biết bám sóng, bám biển với nghề giăng câu, bủa lưới để nuôi gia đình và các con ăn học. “Nghề đi biển là nghề hạ bạc. Hôm nào bắt dính được mẻ cá ngon thì thu nhập khá, nhưng đâu cũng lại vào đấy. Tuy nhiên, niềm an ủi của vợ chồng tôi là sắp nhỏ học cái chữ để mai này sống khác với đời cha mẹ chúng”, anh Hoàng Anh tâm sự. 2 đứa con anh năm nay một đứa 12 tuổi, còn một đứa 13 nhưng chỉ mới học tới lớp 3. Gần đây, ở đảo nổi lên phong trào nuôi cá bóp, nhiều người đã hốt bạc nên vừa rồi anh cũng mạnh dạn vay tiền đầu tư. Anh chỉ mong sao có lời để đưa các con vào đất liền học hành đàng hoàng hơn.

Lớp học giữa trùng khơi
Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối

Thầy giáo không lương

Mặc dù lớp học tình thương rất thiếu thốn, nhưng bù lại các em học sinh học tập nghiêm túc và chăm ngoan. Riêng các chiến sĩ đều tình nguyện dạy mà không nhận một đồng lương. Một chiến sĩ chia sẻ anh chỉ nghĩ đơn giản, ngoài nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc thiêng liêng, người lính đảo còn phải phục vụ hết mực vì nhân dân. Cảm động trước tấm lòng của người lính đảo, ông Lê Văn Phương (58 tuổi), Tổ trưởng tổ Hòn Chuối, bày tỏ: “Những năm qua, đời sống trên đảo gặp nhiều khó khăn nên người dân ít quan tâm đến chuyện học hành của con em. Nhiều đứa 15 - 16 tuổi đầu mà chưa biết một chữ bẻ đôi. Mấy năm gần đây, nhờ các chiến sĩ mà con em trên đảo xóa được mù chữ”.

Hiện tại, ở đảo Hòn Chuối cũng có nhiều gia đình rất quan tâm đến việc học của con em. Do điều kiện, thiết bị dạy học ở đảo quá thiếu thốn nên một số phụ huynh đã mạnh dạn đưa con vào bờ học chính quy như những đứa trẻ đồng trang lứa. Nguyễn Thị Liễu (38 tuổi) vui vẻ nói: “Tôi có 2 đứa con, cho vào ở nhà nội trong đất liền để đi học. Hiện đứa lớn đang học lớp 5, đứa út đang học lớp 2 Trường tiểu học Cái Đôi Vàm”.

Lớp học giữa trùng khơi
Cư dân nghèo trên đảo Hòn Chuối

Đã hơn 3 năm bám đảo, bám lớp, trung úy Trần Bình Phục, Cán bộ thông tin Đồn biên phòng 704, chia sẻ ban đầu, vận động bà con trên đảo cho con em đến lớp rất khó. Sau đó, thấy bộ đội dạy hiệu quả, người dân mới chịu cho con đi học. Đáng lo nhất ở lớp học tình thương hiện nay là các em học sinh thường theo cha mẹ ra vào đảo liên tục nên việc học của các em dễ bị dở dang. “Các chiến sĩ biên phòng dạy học xuất phát từ tình thương, chứ chẳng nghĩ đến chuyện lương bổng. Nhiều lúc, thấy thiếu tập vở, quần áo, chúng tôi còn xuất tiền túi ra mua để tạo điều kiện cho các em đến lớp. Lớp học được duy trì suốt cả năm, khi nào thầy đi công tác cho các em nghỉ vài hôm rồi học tiếp. Nếu không tổ chức dạy như vậy thì các em sẽ quên mất kiến thức mình dạy”, trung úy Phục cho biết.

Trung tá Nguyễn Hùng Tráng, Đồn trưởng Đồn biên phòng 704 hy vọng trong thời gian tới, các anh sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ phía đất liền, nhất là các ngành chức năng để giúp đỡ các em về dụng cụ học tập, sách vở, cũng như nguồn kinh phí xây dựng lớp học. “Mấy tháng trước, mỗi lần trời mưa là trong lớp tối om. Nếu cứ học như vầy hoài chắc các em dễ bị cận thị. Mỗi khi tan học, chiến sĩ đưa các em xuống đồi, còn những lúc mưa dầm phải cõng các em về tận nhà. Điều đáng mừng là những năm qua, nhiều học sinh trên đảo đã thành tài, có em đậu vào trường đại học, nay đang làm trong các công ty lớn ở TP.HCM”, trung tá Nguyễn Hùng Tráng phấn khởi nói.

TRƯỜNG AN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.