Lớp học kỳ lạ dưới chân núi Cà Đam

27/05/2007 22:47 GMT+7

Mới nhìn, ít ai nhận ra sự khác biệt của lớp học do cô giáo Nguyễn Thị Nhu phụ trách so với những lớp khác ở trường Tiểu học Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi). Thực tế, những học sinh ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, và các cô giáo dạy cả chương trình của cả bậc tiểu học trong lớp...

Trường Tiểu học Trà Xuân nằm ven tỉnh lộ băng qua trung tâm huyện lỵ Trà Bồng. Ở phía hành lang của dãy phòng chính giữa có một nhóm học sinh ngơ ngác đứng nhìn bạn bè hồn nhiên nô đùa. Các em là thành viên lớp học đặc biệt của ngôi trường tọa lạc dưới chân núi Cà Đam. Thật khó khăn để chuyện trò với các em. 

Trong lớp học, ngoài phần ghi chủ đề năm học, tấm bảng đen được phân thành nhiều ô thể hiện nội dung bài học từ lớp 1 đến lớp 5. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, cô giáo Nguyễn Thị Nhu phụ trách lớp cho biết: "Lớp học tập hợp những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thị trấn. Cháu thì bị câm điếc, cháu bị ngọng, cháu bị thiểu năng trí tuệ... Lớp học hiện còn 7 cháu, mỗi cháu học mỗi chương trình khác nhau nên phải linh hoạt như thế. Có cháu học cùng lúc 2 chương trình, Toán lớp 1, tiếng Việt lớp 3".

Để duy trì sĩ số và giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em, nhà trường tích cực vận động các nhà hảo tâm trong tỉnh hỗ trợ sách vở, áo quần, cặp sách... Hầu hết các em trong đợt này đến nay đã biết đọc, biết viết, có em không những hòa nhập vào các lớp chính quy mà còn đạt thành tích học tập khá. Chưa kể khâu giảng dạy, việc động viên các em thường xuyên đến lớp cũng đã rất gian truân. Phần vì bản thân các em tật nguyền, khiếm khuyết, phần vì khó nghèo nên gia đình không quan tâm nhiều đến chuyện học hành của con cái. 

Trong số những cô giáo phụ trách lớp học, cô Nguyễn Thị Nhu (53 tuổi) có thời gian gần gũi với những số phận tật nguyền lâu nhất. Quê cô Nhu ở tận Nghệ An, từng là nữ thanh niên xung phong thời kháng chiến. Hòa bình lập lại, cô theo chị ruột vào Trà Bồng "kiếm cái nghề để chăm lo cho bản thân" như lời người mẹ dặn dò. Cô Nhu đã chọn nghề giáo và miệt mài gắn bó với các lớp học vùng cao mấy mươi năm qua. Cô Nhu tâm sự: "Cô xem các cháu nhỏ trong lớp như con cái của mình. Thấy gia cảnh các cháu cơ hàn quá nên không đành lòng thấy chúng thất học. Các cháu học chữ rất vất vả. Nhiều khi một bài tập đơn giản, các cháu phải mất cả tuần mới tiếp thu được. Có cháu học trước quên sau, ra điều kiện phải được ăn kẹo, uống sữa mới học. Cô phải trích tiền lương ra mua để làm quà động viên các cháu đến lớp". 

Cô Nhu đang phấn đấu để năm học tới, em Trịnh Thị Như Quỳnh (SN 1993, bị câm điếc, đang học lớp 5) đủ điều kiện, kiến thức để học tiếp lên lớp 6. Tôi nhờ cô Nhu ra hiệu hỏi ước mơ sau này làm gì, em Quỳnh viết lẹ ra giấy: "Cháu mơ làm cô giáo"... 

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.