|
Đây là lớp học do nhà thư pháp Lê Thiên Lý mở ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu (đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng). Học sinh của lớp có đủ mọi thành phần trong đó có người đã 70 tuổi. Đáng nói là học viên đi học đều phải điểm danh, kiểm tra bài cũ, làm bài về nhà như học trò phổ thông.
Mỗi khóa học kéo dài 6 tháng. Sau 6 tháng học sẽ thi “tốt nghiệp”, ai nghỉ quá 3 buổi sẽ bị “lưu ban”, nhưng có thể học lại vào năm sau vì mỗi năm ông Lý chỉ mở một lớp. Đây chính là “kẽ hở” để nhiều người muốn được “lưu ban” để có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về Hán - Nôm và thư pháp.
Chị Lê Thị Hiển, 39 tuổi, ở phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, là học viên cố tình “lưu ban” sau khi đã “nhập học” từ tháng 7.2013.
Chị cho biết, có bố là thầy cúng nên chị muốn kế nghiệp. Sau một khóa học và một khóa “lưu ban”, chị Hiển đã nắm được cơ bản về chữ Hán và cách viết thư pháp. Chị cho biết sẽ truyền “lửa” cho con gái đang học lớp 6 dù “cháu đang học tiếng Anh nhưng thấy mẹ học chữ Hán nên cũng thích.”
Nhiều học viên khác, có người muốn học để làm thầy giáo. Có người muốn học để làm thầy… cúng. Có người học chỉ để… học.
Ông Nguyễn Quang Thuyết, ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn vốn làm nghề buôn cá nhưng cũng say mê với lớp học. Ông cho biết: mặc dù bận bịu với công việc giao cá tại các chợ đầu mối, nhà hàng nhưng ông vẫn tranh thủ đến lớp.
“Tôi thấy lớp học này dạy chữ nhưng là dạy cả đạo làm người nữa. Thầy Lý không phải là nhà sư phạm nhưng có kinh nghiệm và tâm huyết nên dạy rất hiệu quả. Có một lần tôi bất đồng nên bỏ học, thầy đã gọi điện hỏi thăm và động viên tôi đi học lại, tôi rất xúc động vì đó là cách hành xử của bậc thầy”, ông Thuyết chia sẻ.
Vũ Ngọc Khánh
>> Triển lãm nhiều tài liệu Hán - Nôm quý
>> Thư pháp Hán Nôm
>> Ra mắt Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng
Bình luận (0)