Lớp học ở nơi không điện, không sóng di động

Phạm Anh
Phạm Anh
18/11/2023 06:06 GMT+7

Lớp học ở xóm Đèo Ải, thôn Nước Đang, xã Ba Trang, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi), lọt giữa màu xanh của rừng. Nơi đây có một cô giáo cắm bản, ngày đêm miệt mài dạy từng con chữ cho 9 học sinh người Hrê.

GIAN NAN VỀ ĐÈO ẢI

Thầy hiệu phó và các nam giáo viên của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Ba Trang kiên quyết không cho chúng tôi đi xe máy đến điểm trường Đèo Ải bởi trời mưa lớn, đường núi rất nguy hiểm. Sau một hồi đắn đo, các giáo viên của trường nhờ người đưa chúng tôi vòng xuống P.Phổ Hòa (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) để đi thuyền qua hồ Liệt Sơn tới Đèo Ải.

Lớp học ở nơi không điện, không sóng di động - Ảnh 1.

Cô Thơm cầm tay tập từng nét chữ cho học sinh lớp 1

PHẠM ANH

Sau khoảng 30 phút vượt hồ, chúng tôi lên bờ đi vào xóm Đèo Ải. Sau khi lội qua 3 con suối lớn, xóm nhà sàn xinh đẹp hiện ra trước mắt chúng tôi. Tại đó, có một mái trường đang vang lên tiếng trẻ thơ đọc bài như chim non buổi sớm giữa rừng già.

Điểm trường có 2 phòng lợp tôn, chúng tôi vào phòng học có 9 học sinh. Thấy khách lạ, đeo máy quay, máy ảnh, túi xách lỉnh kỉnh, các em ngoái đầu nhìn lại, ánh mắt trong veo pha chút ngại ngùng. Cô giáo Phạm Thị Thơm (46 tuổi) bảo đây là lần đầu tiên có nhà báo vào thăm lớp học. Quan sát căn phòng, chỉ có bảng đen, phấn trắng, cái bàn của giáo viên, còn lại không có gì khác.

Lớp học ở nơi không điện, không sóng di động - Ảnh 2.

Điểm trường Đèo Ải, nơi cô giáo Phạm Thị Thơm gắn bó dạy 4 năm

LỚP HỌC "3 TRONG 1"

Chúng tôi vừa trò chuyện vài câu với cô Thơm thì cơn mưa rừng ào ào trút xuống. Mái tôn lớp học cứ ong ong liên hồi, đến đinh tai nhức óc. Mưa theo gió tạt vào cửa sổ, ướt mèm nền và bàn học. Ngồi đối diện nhau, nói thật to mà không thể nào nghe rõ. "Mùa này là vậy đó, mưa là không giảng bài được, nên chỉ viết lên bảng thôi. Viết xong trên bảng là xuống chỗ từng em giảng cho hiểu bài", cô Thơm nói.

Lớp học ghép lớp 1 và 2, nhưng thực ra là "3 trong 1". Bởi nơi này các em không được học mẫu giáo, chưa được làm quen với chữ, nên ròng rã 4 năm dạy tại đây, cô Thơm phải dạy kiêm luôn cả phần mẫu giáo.

Chiều hôm ấy, cô Thơm kiên nhẫn cầm tay tập viết chữ cho từng em. Căn phòng tối om om, bóng cô giáo đi qua đi lại, có khi thầm thì bên từng học sinh, có khi đứng trên bục giảng đọc át tiếng mưa gào để giảng các nét chữ.

Lớp học ở nơi không điện, không sóng di động - Ảnh 3.

Học sinh lớp 1 và 2 điểm trường xóm Đèo Ải

MUỐN NGHE ĐIỆN THOẠI PHẢI LEO LÊN HÒN ĐÁ

Lớp học không có điện. Muốn có ánh sáng điện, cách đây gần 2 năm cô Thơm đã bắt điện năng lượng mặt trời nhưng hôm nay, nhà dân bên cạnh có việc, cô cho họ mượn mang về dùng. "Đèn năng lượng ở đây, may thì sáng được 2 giờ. Trời mưa cả ngày, sáng đủ ăn bữa cơm là mừng lắm rồi", cô Thơm nói.

Nơi này, muốn nghe điện thoại phải leo lên hòn đá cao. Chân yếu, leo lên đến chỗ hòn đá phải mất cả giờ. Cô Thơm kể cứ có việc là cô leo lên chỗ hòn đá ấy gọi điện. Cả Đèo Ải này đều như vậy, xem hòn đá như thần nên cẩn thận giữ gìn tại chỗ, không dám cho nó xê dịch đi chỗ khác, mất sóng điện thoại như chơi.

Lớp học ở nơi không điện, không sóng di động - Ảnh 4.

Xóm Đèo Ải, thôn Nước Đang, xã Ba Trang, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi)

Chiều ấy, mưa rừng cứ từng đợt ào về, cô Thơm mày mò cầm tay chỉ chữ cho các em. Cuối ngày, cô đưa 2 học sinh qua suối nước lớn. Con nước từ núi rừng chảy về hòa với nước mưa xối xả trong làng tuôn ra. Lúc quay về qua suối, cô Thơm bất giác ngóng qua đầu dốc bên kia, xem hai em học sinh đã khuất tầm mắt chưa.

BÔNG HOA QUÝ NHẤT LÀ NGÀY NÀO HỌC SINH CŨNG ĐẾN LỚP

Hàng chục năm đi dạy, hầu như điểm lẻ khó khăn nào cũng có bàn chân "cắm bản" của cô Thơm, trong đó nơi khó nhất là điểm trường Đèo Ải.

Phòng ở của cô giáo chỉ có cái bếp trống trơn tạm bợ được che bởi mấy cái cây gác qua để lợp tôn lên trên. Trưa, thấy cô nấu cơm, ngọn lửa chợt lóe lên rồi tắt ngấm do những cơn gió ghé thăm. Trong căn phòng tuềnh toàng, tôi thấy một nồi cá chuồn kho mặn, một nồi canh rau rừng, nồi cơm trắng. Tôi cố tìm cái giường ngủ nhưng chẳng thấy đâu. Hỏi, cô Thơm chỉ vào cái ghế xếp đã gãy.

Lớp học ở nơi không điện, không sóng di động - Ảnh 5.

Cô Thơm nấu cơm trưa

Lớp học ở nơi không điện, không sóng di động - Ảnh 6.

Bữa ăn một mình của cô giáo cắm bản

Chỉ vào cái lưới bắt cá để trong căn phòng, cô Thơm khoe mỗi bận không có thức ăn, cầm lưới ra suối thả cá, bắt ốc và vào rừng hái rau là có bữa ăn tàm tạm. Đêm xuống, nhớ con, nhớ cháu, cô Thơm chỉ còn biết mở điện thoại ra xem ảnh. Có những đêm không ngủ được, thức dậy nghe tiếng rừng thẳm kêu, cô lại càng nhớ nhà hơn.

Không phụ lòng cô giáo, học sinh ở Đèo Ải dù khó khăn cũng cố gắng học, chưa em nào bỏ học. Bé Phạm Thị Hoa Huệ (lớp 2) thủ thỉ nghe lời cô dặn nên vào ban đêm em muốn thuộc bài, đọc chữ, nhờ ba mẹ soi đèn pin, đốt lửa và cả thắp bình ắc quy cho em. "Con cố gắng học để sang năm lên lớp 3, về trường bán trú học. Sau này cũng học đại học như anh Phạm Văn Vênh ấy", bé Huệ ngây thơ nói.

Anh Phạm Văn Huê, Tổ trưởng xóm Đèo Ải, giải thích: Phạm Văn Vênh đã tốt nghiệp Trường đại học Thể dục thể thao ở Đà Nẵng và là người đầu tiên của Đèo Ải đã giảm nghèo.

Lớp học ở nơi không điện, không sóng di động - Ảnh 7.

Cô Thơm dắt 2 em học sinh đi qua con suối nước lớn vào chiều cuối ngày

Thầy Nguyễn Minh Hải, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS xã Ba Trang, cho biết cô Thơm yêu trẻ lắm. Vì vậy học sinh ở điểm lẻ nào từng được cô dạy, khi lên lớp 3 luôn theo kịp các bạn ở trường khác.

Chiều tối ấy, cơn mưa rừng lại về. Chúng tôi rời Đèo Ải, mang ước mơ của cô giáo Thơm: Nơi này không có quà, hoa ngày 20.11 đâu. Cái quà ấy là mong ngày nào các em cũng đến lớp đầy đủ. Đó là bông hoa quý nhất cho đời giáo viên cắm bản nơi này. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.