Lớp học tiếng Việt tại Linköping, Thụy Điển

23/09/2024 04:24 GMT+7

Trong chuyến công tác kết hợp thăm hỏi và biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng kiều bào tại Thụy Điển từ ngày 15.9 - 22.9, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, dẫn đầu đoàn công tác đến thăm lớp học tiếng Việt dành cho con em người Việt tại Trường THCS Elsa Brandstrom (TP.Linköping, vùng Östergötland).

Lớp học tiếng Việt này do bà Lưu Sally (Nguyễn Thị Lưu), Phó chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Thụy Điển kiêm Chủ tịch Hội người Việt Nam tại vùng Östergötland, tổ chức. 

Cách đây 8 năm, bà Lưu Sally nhận thấy tầm quan trọng của việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, nên bà đã tranh thủ thời gian ngoài công việc kinh doanh để giảng dạy tiếng Việt cho các em người Việt Nam tại địa phương.

Bà Lưu Sally chia sẻ rằng tại Linköping, học sinh nước ngoài có thể học ngôn ngữ mẹ đẻ của mình từ 30 phút - 1 giờ mỗi ngày sau giờ học chính khóa. Tuy nhiên, chỉ có học sinh từ lớp 7 trở lên mới được học theo nhóm tiếng Việt. Công việc ở lớp học này đòi hỏi sự kiên nhẫn và phương pháp giảng dạy linh hoạt, phù hợp với từng học sinh. Bà cho biết mục tiêu của lớp học là giúp các em nắm vững tiếng mẹ đẻ và theo kịp chương trình học tại trường.

Lớp học tiếng Việt tại Linköping, Thụy Điển- Ảnh 1.

Lớp học tiếng Việt tại TP.Linköping, vùng Östergötland, Thụy Điển

ẢNH: CAO PHONG

Bà Lưu Sally bày tỏ sự vui mừng khi thấy các em ngày càng tiến bộ trong việc sử dụng tiếng Việt: "8 năm trước, khi các em chỉ nói được vài từ, tôi đã rất xúc động. Giờ đây, sau 6 - 8 năm học, các em đã có thể đọc và hiểu sách tiếng Việt rõ ràng hơn".

Bà Sabina Carlsson, Hiệu phó Trường THCS Elsa Brandstrom, cho biết trường hiện giảng dạy khoảng 15 ngôn ngữ bản xứ cho học sinh quốc tế. Bà đánh giá cao lớp học này và nhấn mạnh việc duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ giúp học sinh hòa nhập tốt hơn với môi trường học tập tại Thụy Điển.

Các em học sinh tham gia lớp học như Vũ Khánh Linh, Nguyễn Hà Linh, Trần Gia Minh, Nguyễn Tấn Tài và Đỗ Trà Vi, sau khi thảo luận nhóm đã đề xuất mong muốn được hỗ trợ tập viết chữ ô ly và sách in giấy từ Việt Nam để luyện chữ và học tiếng Việt. Điều này khiến đoàn công tác bất ngờ vì các em vẫn thích dùng tài liệu in giấy truyền thống thay vì tài liệu số hóa.

Lớp học tiếng Việt tại Linköping, Thụy Điển- Ảnh 2.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM (bên phải), dẫn đầu đoàn công tác đến thăm lớp học tiếng Việt của bà Lưu Sally

ẢNH: CAO PHONG

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai cũng chia sẻ sự xúc động trước những nỗ lực của các em và nhấn mạnh việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là tiếng Việt đối với thế hệ trẻ sinh sống ở nước ngoài. Bà đánh giá cao phương pháp dạy của bà Lưu Sally và cam kết sẽ báo cáo lên lãnh đạo UBND TP.HCM nhằm hỗ trợ thêm cho việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, vào ngày 20.9, đoàn cũng đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển. Ông Trần Văn Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thụy Điển đã tiếp đoàn và thảo luận về các hoạt động cộng đồng, văn hóa nghệ thuật, phát triển kinh tế giữa Thụy Điển và TP.HCM.

Lớp học tiếng Việt tại Linköping, Thụy Điển- Ảnh 3.

Đoàn công tác của TPHCM đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển

ẢNH: CAO PHONG

Cộng đồng người Việt tại Thụy Điển ước tính có khoảng 22.000 người, tập trung nhiều nhất ở các thành phố phía nam như Malmö, Göteborg và Helsingborg. Họ tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ buôn bán nhỏ lẻ đến giáo dục, công nghệ và đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội Thụy Điển. Cộng đồng cũng duy trì văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động cộng đồng và tổ chức lễ hội truyền thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.