Lớp học trên biển

01/03/2013 12:31 GMT+7

Các cô giáo trẻ đang dạy học tại làng chài Vông Viêng (P.Hùng Thắng, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) kể với chúng tôi, buồn nhất khi học trò đã về hết, các cô lại mỗi người một góc giường ôm cuốn sách.

Các cô giáo trẻ đang dạy học tại làng chài Vông Viêng (P.Hùng Thắng, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) kể với chúng tôi, buồn nhất khi học trò đã về hết, các cô lại mỗi người một góc giường ôm cuốn sách.

Trường cấp 1 của làng chài chỉ là 3 căn nhà nổi (mỗi nhà rộng chừng 15 m2) trên vịnh Hạ Long. Để có thể dạy đủ học sinh từ lớp 1 tới lớp 5, các cô giáo phải dạy 2 ca, lớp 1, 4, 5 học sáng, lớp 2, 3 học chiều.

Trường có 4 cô giáo, 1 cô phải dạy cả 2 lớp. Mỗi lớp có khoảng 10 học sinh. Độ tuổi các em không giống nhau, có em 15 tuổi mới học lớp 2, em nhút nhát, em bạo dạn..., thế nhưng học sinh ở làng chài ai cũng ham học, điều an ủi lớn nhất với những cô giáo trẻ lênh đênh trên biển.

Học sinh trường tiểu học Vông Viêng nô đùa trên sân trường nổi trên vịnh Hạ Long
Học sinh Trường tiểu học Vông Viêng nô đùa trên sân trường nổi - Ảnh: Thúy Hằng

Chúng tôi tới lớp học của cô giáo Tống Thị Mai lúc các cháu đang học giờ tiếng Việt. Cô giáo Mai năm nay vừa tròn 23 tuổi, quê thị xã Quảng Yên, H.Yên Hưng.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tây Bắc, Mai đăng ký luôn về Vông Viêng. Mới xuống làng được 2 tháng, cảm giác xa nhà đã quen trong 4 năm học đại học nhưng Mai chưa quen với việc mở mắt dậy thấy bốn bề là nước.

Mai và 3 bạn đều chưa biết bơi, về nhà lần nào bố cũng giục học bơi khẩn trương, kẻo có ngày sảy chân xuống biển. Mai bảo ở đây “cuồng” chân và buồn, nhất là buổi tối khi lũ trẻ đã về hết.

Chiều mùa đông trời âm âm như sắp có mưa thế nhưng trong lớp nguồn ánh sáng duy nhất chỉ là từ 2 chiếc cửa sổ. “7 giờ tối làng mới có điện, đêm thì lại hết”, cậu bé trắng trẻo tên Hiếu, 8 tuổi, mới được chuyển từ phường Hòn Gai ra bảo với chúng tôi.

Cả lớp chỉ có 11 em, ở bàn cuối cùng, cô bé hay phát biểu nhất tên Tống Thị Kiều Loan, đã 15 tuổi nhưng mới được đi học gần 2 năm nay. Em học giỏi nhất lớp, đã ra dáng một thiếu nữ, được bầu làm lớp trưởng.

Bọn trẻ thấy có khách đến ngồi học cùng thì không rụt rè, thi thoảng thấy cô giáo tiếp chuyện với chúng tôi lâu quá còn gọi ầm lên, “cô ơi cô, học tiếp đi!”.

Ở đây giờ học cũng như trong đất liền, buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ và buổi chiều từ 13 giờ. Những ngày mưa lớn hoặc dự báo có bão, học sinh mới nghỉ học. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều tự chèo thuyền đến lớp. Cứ 2 đứa trẻ, một chiếc thuyền, chúng ngồi dựa lưng vào nhau, một đứa dùng hai chân điều khiển mái chèo chuẩn xác đến kinh ngạc.

Bốn cô giáo ở Vông Viêng đều ngang tuổi nhau. Các đồng nghiệp của Mai người từ Thái Bình, Nam Định ra, những ngày đầu tiên được làm việc giữa biển, ai cũng vừa háo hức, vừa lo lắng.

Bốn cô được xếp một căn phòng nhỏ xíu chừng 10 m2 ngay cạnh lớp học, đủ kê một cái giường, cái bàn, giá sách. Bữa cơm tối dọn ra có một đĩa su hào luộc, một đĩa cá rìa rán.

Cô giáo Nguyễn Thị Hường (23 tuổi, quê Quảng Yên) bảo cá rìa này bố Hường ra thăm con, mua 5 cân, để các con ăn dần. “Ở đây ăn dè rau và nước ngọt. Nước bọn em phải mua 50.000 đồng/m3, có khi 20.000 đồng một cân su hào, bắp cải”.

Bát đĩa ăn xong được rửa sạch bằng nước biển, sau đó mới tráng sơ qua bằng nước ngọt. Tối đến, làng chài yên ắng, ánh đèn compact lờ mờ trong phòng, người soạn giáo án, người đọc sách, cô giáo nào có bạn trai trong đất liền thì nhấp nha nhấp nhổm vì sóng điện thoại và Dcom 3G hiếm lắm mới có, yahoo, facebook hay email đều bị vô hiệu hóa.

Hệ số lương khởi điểm của Mai và đồng nghiệp đang là 2.34, tương đương 1.719.900 đồng/tháng. “Chúng em ăn nghỉ ở đây chả mua sắm mấy nên thế cũng đủ. Hơn nhiều bạn em ở Mường Nhé, Điện Biên, đi cả ngày đường mới thấy một nóc nhà, ăn thì quanh năm lạc rang, cá khô mặn chát”, cô giáo Mai kể.

Mỗi tháng các cô giáo được về nhà 2 lần, mất 1 giờ đồng hồ ngồi tàu về bến Tuần Châu hoặc Hòn Gai rồi bắt xe khách về quê.

Ông Vũ Văn Hùng, trưởng khu làng Vông Viêng thì luôn nói với chúng tôi, mấy cô con gái (ông gọi các cô giáo là con gái) đều ngoan cả, ông bảo người làng, có nhiều cá, tôm, cứ cho các cô thoải mái, cô giáo khỏe mạnh, con cháu làng chài mới có người dạy bảo.

Thúy Hằng

>> Lớp học tình thương ở rừng U Minh Thượng
>> Ấm áp lớp học tình thương
>> Lớp học giữa trùng khơi
>> Lớp học màu xanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.