Chiều 6.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và luật Đấu thầu.
Lợp lại mái nhà trên 100 triệu cũng phải đấu thầu
Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) đề cập tới Nghị định 138/2024 được ban hành mới đây, cho phép các địa phương, cơ quan, đơn vị có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên đến 15 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
"Đây là một tin vui lớn với các địa phương trong cả nước và nhiều bộ, ngành, là kết quả của những tranh luận nóng, thậm chí là rất nóng suốt 4 kỳ Quốc hội", ông Hậu nói, và cho rằng quy định mới sẽ giúp hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cán bộ, công chức, viên chức khi phân bổ, sử dụng kinh phí chi thường xuyên sẽ không còn phải sợ sai, sợ trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Tây Ninh, dù tháo được điểm nghẽn về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên, thế nhưng "chỉ vài tháng nữa, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhiều người hôm nay đã ngẩng cao đầu sẽ lại sợ sai, sợ trách nhiệm".
Hiện nay, các công việc mua sắm, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng các hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị trên 100 triệu đồng sẽ phải đấu thầu. Đây là quy định đã có từ lâu, không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh trượt giá vật tư, nguyên liệu, chi phí nhân công.
"Tôi tin rằng không ít cán bộ, không ít đại biểu trong hội trường này đã từng lắc đầu ngao ngán khi những công việc đơn giản như lợp lại mái nhà, trám mấy bức tường nứt và sơn lại, thay gạch lót nền bong tróc có tổng giá trị trên 100 triệu đồng phải làm thủ tục đấu thầu", ông Hậu nói.
Ông Hậu cũng kể lại câu chuyện một đại biểu một cơ quan T.Ư từng nói với ông rằng, không chỉ trong việc mua thiết bị hay xây lắp, nếu tổ chức một hội thảo chuyên ngành kinh phí trên 100 triệu đồng cũng phải đấu thầu. Có những khoản mua sắm hằng năm mua giống hệt nhau nhưng năm nào cũng phải đấu thầu lại, vừa không thực tế, mất thời gian, công sức mà kinh phí tăng thêm hàng chục triệu đồng.
Theo tính toán của ông Hậu, đối với gói thầu xây lắp, mua sắm thiết bị, dịch vụ phi tư vấn có giá trị trên 100 triệu đồng khi sử dụng phương thức chào hàng cạnh tranh phải qua các bước lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, đăng tải hồ sơ mời thầu điện tử, tiếp đó là đánh giá, lựa chọn nhà thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Cả quy trình mất ít nhất 31 ngày và 11 triệu đồng.
Trong khi đó, với gói thầu tư vấn phải tổ chức đấu thầu với phương thức một giai đoạn, hai túi hồ sơ thông thường phải mất ít nhất 48 ngày do phải thêm một số bước như đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính, thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật…
Ông Hậu nhận định, với những công việc đơn giản, chi phí vài trăm triệu như ví dụ ở trên, những mục tiêu quan trọng của đấu thầu như chọn được những nhà thầu có năng lực về kỹ thuật, công nghệ, về tài chính hay tiết kiệm chi phí không mấy có ý nghĩa, mà lại phải mất thêm chi phí không đáng có, nhất là mất thời gian, công sức khá lớn của nhiều người, nhiều đơn vị liên quan.
Đề xuất nâng hạn mức để đẩy nhanh tiến độ dự án
Từ thực tế đã nêu, đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị xem xét sửa đổi quy định tại luật Đấu thầu theo hướng nâng mức phải tổ chức đấu thầu với các công việc sử dụng chi thường xuyên lên bằng với đầu tư công, tức là với gói thầu tư vấn thì trên 500 triệu đồng, với gói thầu mua sắm xây lắp dịch vụ phi tư vấn thì trên 1 tỉ đồng.
Cùng chung mối quan tâm với ông Hậu, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) dẫn thực tế hiện nay các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư địa phương đang áp dụng hạn mức chỉ định thầu như đối với gói thầu thuộc dự án mua sắm. Tức là áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi đối với tất cả các gói thầu có giá gói thầu trên 100 triệu đồng và áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu có giá gói thầu trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Ông Tuấn cho rằng cách hiểu, cách làm như vậy chỉ mang tính vận dụng, đồng thời phát sinh thêm nhiều trình tự, thủ tục so với trước đây, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân tại các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, vì cơ bản các dự án này đều có quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn và hoàn thành trong năm.
Do đó, ông Tuấn đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định về hạn mức chỉ định thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư theo hướng cho phép áp dụng hạn mức chỉ định thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư như đối với các dự án đầu tư theo luật Đầu tư công.
Việc này sẽ bảo đảm căn cứ pháp lý làm cơ sở thực hiện thống nhất trong cả nước và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Giải trình trước ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự đồng tình về việc cần nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu; đồng thời phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng.
"Chúng tôi nghiên cứu có thể nâng lên nữa để đảm bảo tính ổn định lâu dài, nếu không chúng ta vừa sửa xong lại bất cập, lại sửa tiếp", ông Dũng nói.
Bình luận (0)