Đại sứ Olivier Brochet cho biết, phía Pháp mong muốn quan hệ hợp tác hai nước chuyển sang giai đoạn mới trong 20 năm tới với những chương trình, trọng tâm mới.
Theo ông Olivier Brochet, trong lĩnh vực GTVT, Pháp có nhiều kinh nghiệm, thế mạnh về đầu tư xây dựng sân bay, sản xuất tàu bay, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị... và có thể hỗ trợ, hợp tác phát triển tại Việt Nam. Ngoài hỗ trợ thông qua Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Pháp có thể huy động nguồn hỗ trợ từ các cơ chế đa phương như Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, sáng kiến "Cửa ngõ toàn cầu" (Global Gateway) của EU nhằm tạo ra sự kết nối toàn thế giới với ngân quỹ tổng thể khoảng 300 tỉ euro, trong đó gần 20% là đóng góp từ Pháp. Pháp mong muốn dành ngân quỹ từ sáng kiến này cho đầu tư phát triển lĩnh vực GTVT tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các phương thức tiếp cận nguồn vốn này.
Đại sứ Olivier Brochet cũng đề cập đến các dự án hợp tác cụ thể. Trong đó, dự án metro số 3 Hà Nội (tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) mang tính biểu trưng cao cho quan hệ hợp tác hai nước, tuy chậm tiến độ vì nhiều lý do khác nhau, đến nay đã được tháo gỡ. Mục tiêu giữa năm 2024 phần trên cao của dự án được đưa vào khai thác. Đại sứ bày tỏ mong muốn, phía Việt Nam khi thẩm định công trình sẽ hoàn thành sớm thủ tục này để công trình đưa vào khai trương đúng kế hoạch.
Ngoài ra, vừa qua Pháp đã có quyết định viện trợ không hoàn lại 700.000 euro để một doanh nghiệp Pháp tiến hành khảo sát, nghiên cứu dự án tôn tạo cầu Long Biên. Sau nghiên cứu, sẽ cần vốn cho thực hiện tôn tạo; AFD sẵn sàng hỗ trợ một phần, Bộ GTVT có thể phối hợp với UBND TP.Hà Nội thực hiện các thủ tục để phía Pháp triển khai dự án được nhanh chóng.
Đặc biệt, đối với hợp tác trong lĩnh vực đường sắt, Đại sứ Olivier Brochet thông tin, một số hãng thời trang, hàng hiệu nổi tiếng, trong đó có Louis Vuitton quan tâm, mong muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội - TP.HCM phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, để thực hiện cần sửa chữa, cải tạo các toa tàu cổ, đã khai thác từ 30 năm trở lên và nhập khẩu vào Việt Nam. Do vậy, phía Pháp mong muốn Bộ GTVT cho phép có các ngoại lệ so với các quy định hiện hành để các toa tàu có thể chạy trên đường sắt Việt Nam.
Về các nội dung trao đổi mà ông Olivier Brochet đề cập, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao sáng kiến "Cửa ngõ toàn cầu". Nếu Việt Nam được tham gia vào sáng kiến này có thể giúp hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh đầu tư nhưng vẫn coi trọng phát triển bền vững, trong đó đảm bảo giảm phát thải theo cam kết của Việt Nam tại COP26. Vì vậy, phía Việt Nam sẽ chủ động nghiên cứu và đề xuất cụ thể. Đồng thời, Bộ GTVT cam kết ủng hộ và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phía Pháp nghiên cứu, triển khai dự án tôn tạo cầu Long Biên.
Với dự án metro số 3 Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thắng đề nghị Đại sứ kiến nghị Chính phủ Pháp gia hạn khoản vay để giải ngân, dự án sớm về đích.
Riêng về ý tưởng tổ chức chạy đoàn tàu cổ du lịch, tư lệnh ngành giao thông Việt Nam ủng hộ, song, đề xuất phía Pháp cần nêu rõ cần các ngoại lệ gì khi sử dụng toa tàu cũ. Từ đó, hai bên sẽ trao đổi, xác định thẩm quyền thuộc cơ quan nào để trình cơ quan đó giải quyết, trong đó có Bộ GTVT. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ GTVT sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)