>> Nhấn chìm phà chắn lũ, cứu hơn 350 ha lúa
>> Thêm nhiều tuyến đê bị vỡ
>> Lũ tại ĐBSCL làm 3 người chết
>> Lũ tiếp tục lên nhanh
Lũ cũng gây thiệt hại nặng nề về tài sản tại nhiều địa phương. Cụ thể, tại tỉnh An Giang, nước lũ dâng cao đã gây vỡ một số tuyến bờ bao: bờ bắc kênh Đồng Tân (dài 35m), đê Tây K7 (dài 50m), đê Đông K8 (dài 20m), đê Bắc kênh Trà Kiết (dài 20m), đê bao Chủ Mỹ, kênh Ranh, đê tiêu Lũ Núi, tuyến Kênh 11, làm ngập lúa vụ 3 với tổng diện tích khoảng 3.500 ha.
Hiện có khoảng 66.000 ha lúa khác đang bị uy hiếp. Thiệt hại 10 tấn cá thịt và 1,8 triệu con cá giống. 22,77 km tỉnh lộ và 66 km đường giao thông nông thôn bị ngập. Toàn tỉnh An Giang có 3.471 ngôi nhà bị ngập, 131 hộ dân cần phải di dời.
Tại Đồng Tháp, 700 ha lúa vụ 3 bị ngập, 24.000 ha khác đang bị uy hiếp. Tỉnh lộ 848 bị ngập, huyện Châu Thành có 68,1 km đường giao thông nông thôn bị ngập. UBND tỉnh đã huy động trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ và trên 5.000 nhân lực tham gia ứng cứu hộ đê.
Tại Long An, 200 ha lúa bị ngập phải gặt sớm, 50 ha khác bị ngập và mất trắng. Trong khi đó, 324 ngôi nhà, trên 6 ha lúa và 59 km đường giao thông nông thôn tại TP Cần Thơ bị ngập.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên vẫn đang lên. Sáng nay, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu 4,76m (trên báo động 3 là 0,26m), trên sông Hậu tại Châu Đốc 4,13m (trên báo động 3 là 0,13m).
Dự báo, trong 2 - 4 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên sẽ lần lượt đạt đỉnh, sau đó xuống chậm.
Đỉnh lũ cao nhất năm tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long sẽ xuất hiện vào những ngày đầu tháng 10, tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,9m (trên báo động 3 là 0,4m), trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,3m (trên báo động 3 là 0,3m), sau đó xuống chậm, nhưng còn duy trì ở trên báo động 3 đến giữa tháng 10.
Quang Duẩn
Bình luận (0)