Lữ khách hào hoa

14/08/2017 06:34 GMT+7

Đi ra thế giới bây giờ không còn là chuyện quá khó khăn hay hiếm hoi đối với nhiều người trẻ. Đi để học, để trải nghiệm, để hội nhập và kể cả tiếp thu lẫn giới thiệu cái hay cái đẹp của người và của mình.

Trên một báo mạng mới đây có bài về một bạn trẻ từng đi du lịch bụi qua 72 nước, người viết bị sốc vì tấm hình của tác giả ở cuối bài. Bức ảnh chụp sa mạc trắng, công viên quốc gia ở Ai Cập. Nơi cột đá kiến tạo địa chất có hình cây nấm và con gà nổi tiếng, bạn trẻ đó ngồi trên mỏm đá tạo dáng hoành tráng. Đó là một bức ảnh đẹp, dù bức ảnh ấy bỏ qua chi tiết: xung quanh cột đá giữa sa mạc ấy có hàng rào cảnh báo!
Nó gợi tôi nhớ đến những chuyện nhỏ dọc đường:
Bữa nọ đang đi dạo ở Seoul (Hàn Quốc), một thành viên nữ trong đoàn toan bẻ một nhánh hoa bên đường. Cô hướng dẫn viên thấy vậy vội can: “Nếu chị bẻ cành hoa ấy, sẽ chả ai làm gì chị cả. Nó sẽ thuộc về chị. Nhưng chị thử nghĩ, những người đến sau chị họ có còn cơ hội ngắm cành hoa ấy nữa không? Hãy để nó cho mọi người đều được thưởng thức, chị à...”. Cô hướng dẫn viên này người VN, lấy chồng Hàn.
Lần khác ở công viên quốc gia Goreme, Thổ Nhĩ Kỳ có một số tu viện cổ nằm trong các núi đá, được rào bằng những sợi dây xích thấp ngang bụng xung quanh để tránh cho du khách lại gần và gây hại tới di tích (na ná như hàng rào ở các mỏm đá trên sa mạc trắng). Lúc còn đang loay hoay chụp ảnh, bất chợt người viết thấy một ông khách Tây lớn tiếng với một người bạn trong nhóm đi cùng khi người này đang cố vượt qua hàng rào dây xích để vào bên trong chụp hình: “Mày từ đâu tới? Cái hàng rào dây xích này có ý nghĩa gì ở nước mày không?”...
Năm ngoái, lúc thăm tượng Nhân sư ở Ai Cập, đoạn đi xuống cầu thang từ trạm quan sát, cô bạn tôi thấy một vỏ chai nước suối lăn lóc trên đường đã cúi xuống nhặt. Cô còn cẩn thận gỡ nắp chai, xoắn chai nước rồi cầm tới cái thùng rác ngoài cổng thả vào (xoắn chai nước nhằm mục đích làm cho chai nước nhỏ lại, không chiếm nhiều không gian trong thùng rác và nếu có bị rớt ra ngoài, người/xe có đạp lên sẽ không gây nguy hiểm). Ông bảo vệ đứng ngay hàng rào thấy vậy, nhoẻn miệng cười, khe khẽ cúi đầu chào và hỏi: “Where are you from? How to say thank you in your language?” (Bạn từ đâu đến? Hãy chỉ tôi nói cảm ơn bằng tiếng nước bạn?).
Chuyện còn nhiều, tốt - xấu - hay - dở có cả, mà nhiều khi chỉ vì một phút bốc đồng, một khoảnh khắc muốn bức ảnh du lịch thật là hoàn hảo... chứ tôi tin những bạn trẻ tự mình đi khắp nơi chắc không đến nỗi thiếu ý thức có hệ thống. Bước ra thế giới ngoài căn phòng của mình, tự nhủ hãy là một lữ khách hào hoa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.