Đoạn đường vào Bệnh viện đa khoa thành phố Long Xuyên nước ngập sâu, tràn cả vào khuôn viên bệnh viện khiến công tác khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn.
Tại Vĩnh Long, Ban Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết đợt lũ kết hợp triều cường vừa xảy ra đã làm ngập 1.152 ha lúa, 1.513 ha rau màu, 5.023 ha cây ăn trái, 4.765 ao nuôi cá, khoảng 35,44 tấn cá thoát ra sông. Lũ gây sạt lở 1.658m đất, 121 tuyến lộ bị tràn, 55 đoạn đê bị bể; 18.309 căn nhà, 74 điểm trường bị ngập; 12.310 học sinh phải nghỉ học từ 1-3 ngày. Nội ô TP.Vĩnh Long, thị trấn Mang Thít, Long Hồ, Bình Minh ngập sâu.
Tại Đồng Tháp, nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường gây ngập một số đoạn đường trên quốc lộ 30 qua H.Thanh Bình, Tam Nông, Cao Lãnh; các tuyến đường nội ô TP.Cao Lãnh, H.Châu Thành, Lai Vung bị ngập từ 0,2 - 0,5m. Cùng ngày, ông Đặng Văn Ne, Trưởng phòng kinh tế thị xã Hồng Ngự, cho biết chuyện cá sấu sổng chuồng trong lũ chỉ là tin đồn thất thiệt.
Ngày 28.10, ông Phạm Hồng Văn, Phó chủ tịch UBND H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết trong 3 ngày qua, do triều cường dâng cao đã tràn ngập và gây vỡ 162 đoạn đê bao trên địa bàn, với tổng chiều dài trên 886m. Triều cường còn gây ngập 113 căn nhà, gây thiệt hại 2.000 ha mía, 6,5 ha hoa màu, 8 ha cây ăn trái, 35 ha nuôi thủy sản, 15 km đường bị sạt lở, ước tổng mức thiệt hại gần 40 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình triều cường cuối tháng 10.2011 diễn biến rất phức tạp. Mực nước đo vào sáng 27.10 tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn là 1,51m, trên mức báo động
cấp 3 (1,50m). Dự báo đỉnh đợt triều cường cuối tháng 10 có mực nước tại trạm Phú An sẽ lên cao đến 1,57m vào ngày 28.10 (cao hơn so với đỉnh triều lịch sử năm 2009 là 1,56m).
Tối 27.10, triều cường dâng cao đã làm một đoạn bờ bao thuộc KP.8, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM bị vỡ làm ngập hàng trăm nhà dân.
Thanh Niên
Bình luận (0)