Quyền Giám đốc Trung tâm Thảm họa Quốc gia Papua New Guinea Lusete Man nói rằng trong tổng số những người thiệt mạng ở vụ lở đất tỉnh cao nguyên Simbu, có một người mẹ và một đứa trẻ.
Ông Man nói: “23 người đã bị chôn vùi dưới hàng tấn bùn trong 3 vụ lở đất ở các khu vực khác nhau của tỉnh Simbu”. “Chúng ta vẫn đang phải hứng chịu những trận mưa lớn, lở đất và lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề ở vùng cao”, ông Man chia sẻ thêm. Tỉnh Simbu bao gồm 6 huyện và có khoảng 376.000 người dân sinh sống.
Bên cạnh đó, các cộng đồng ven biển cũng bị ảnh hưởng nặng nề do thủy triều dâng cao đã cuốn trôi bờ biển và làm ngập lụt các ngôi làng xung quanh.
Trong khi đó, ở khu vực đồng bằng vùng vịnh và phía tây, mực nước dâng cao từ các con sông đã tàn phá các cộng đồng, vườn cây lương thực và sinh kế của người dân.
Chính phủ Papua New Guinea đã phân bổ 10.000 kina (65,7 triệu đồng) để hỗ trợ cứu trợ.
Papua New Guinea được xếp hạng là quốc gia có nguy cơ cao thứ 16 trên thế giới về biến đổi khí hậu và thiên tai, theo Chỉ số Rủi ro Thế giới năm 2022.
Vùng cao nguyên, miền núi của nước này có rừng nhiệt đới lớn thứ 3 trên thế giới, sau rừng nhiệt đới Amazon và Congo Basin. Tuy nhiên, việc khai thác gỗ từ các đồn điền dầu cọ đã khiến nhiều khu vực rừng bị tàn phá.
Hoạt động phá rừng đã góp phần vào biến đổi khí hậu, cũng gây suy thoái môi trường địa phương, đồng thời khiến các vụ lũ lụt và lở đất trở nên tồi tệ hơn.
Papua New Guinea là nước xuất khẩu dầu cọ lớn thứ 5 thế giới với phần lớn xuất khẩu sang Ấn Độ, Hà Lan, Anh và Malaysia vào năm 2022.
Bình luận (0)