Nếu với ĐBSCL, mỗi mùa lũ lớn có thể là một cơ hội cho phù sa và tôm cá tràn về đồng ruộng, thì với miền Trung, mỗi mùa lũ lụt ở đây là mỗi mùa bất hạnh cho dân lành. Nếu phải “sống chung với lũ” ở miền Trung, thì chỉ là bắt buộc phải sống, không thể chạy đi đâu thì phải sống chung, không biết thoát vào đâu thì phải chịu đựng lũ lụt mà thôi.
Mùa mưa năm nay, ba trận lũ lụt theo kiểu “lũ chồng lên lũ” đã xảy ra khắp dải đất miền Trung trong vòng chưa đầy một tháng đã nhấn chìm miền Trung trong nước lũ. Đặc điểm của “serie-lũ” năm nay là diện “phủ sóng” của lũ lụt kéo dài suốt dải miền Trung, từ Quảng Trị vào tới Phú Yên. Chỉ cần mưa kéo dài khoảng vài ba ngày, nước các dòng sông miền Trung lập tức dâng cao, và lũ lụt xảy ra nhanh chóng.
Bây giờ, lại thêm nạn thủy điện xả lũ nên tốc độ lũ càng cao, cường suất lũ càng lớn, và diện ngập nước càng rộng. Hai di sản thế giới là cố đô Huế và đô thị cổ Hội An đều đang ngập chìm trong nước lũ. Nhưng không chỉ hai đô thị ấy, mà gần như toàn tỉnh Quảng Nam, một phần tỉnh Thừa Thiên-Huế, một phần tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, rất nhiều vùng ở tỉnh Phú Yên đều ngập chìm trong nước. Không cần bão, chỉ mưa lớn thôi là đã gây nên tai họa chết người, ngập nhà, cuốn trôi tài sản, ách tắc giao thông. Phải “sống chung với lũ” như thế này thật quá khổ!
Dù miền Trung không thể thoát cảnh phải chịu đựng lũ lụt hàng năm, nhưng vẫn còn nhiều biện pháp tích cực có thể làm giảm nhẹ sức tàn phá của thiên tai lên cuộc sống người dân. Một trong những biện pháp ấy là việc quản lý chặt chẽ các công trình thủy điện. Miền Trung bây giờ, đất hẹp, sông ngắn và dốc, nước chảy xiết, lại thêm nạn phá rừng đầu nguồn dữ dội, lại phải gánh hàng trăm nhà máy thủy điện lớn nhỏ nữa, thì nếu không khéo, tai họa không chỉ đến từ trời mà còn đến từ người.
Những “ngôi nhà cộng đồng tránh lũ” đã được xây dựng đây đó ở miền Trung, nhưng còn quá thưa thớt, nên tác dụng xã hội và chống lũ chưa cao. Sắp tới, chương trình xây dựng “nhà cộng đồng tránh lũ” này nên được tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa.
Khi không còn cơ hội “thoát lũ” thì phải “sống chung với lũ”. Nhưng làm sao để “sống chung” với thiệt hại tối thiểu, là điều cần thiết đặt ra cho miền Trung bây giờ và nhất là cho sắp tới, cho mai sau.
Thanh Thảo
Bình luận (0)