Lũ “nhân tạo”

10/11/2011 01:11 GMT+7

Không phải đến mùa mưa lũ này, người dân các tỉnh miền Trung mới nếm mùi lũ lụt, mà từ ngàn đời nay, hễ đến cữ này, lũ lụt lại gõ cửa từng nhà, gây bao nỗi tang thương cho vùng đất lắm mưa bão và nhiều nắng gió này.

Thiên tai là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên việc cả trăm ngàn ngôi nhà của người dân miền Trung bị chìm trong nước lũ chỉ trong hai ngày qua lại không phải hoàn toàn do trời (thiên tai) mà là do “nhân tạo” (theo nghĩa do con người gây ra). Việc cấp tập xả lũ vì sợ vỡ đập của hàng loạt nhà máy thủy điện ở thượng nguồn các con sông lớn của miền Trung chính là “thủ phạm” gây nên trận đại hồng thủy trên đây.

Thông thường, hễ trên biển Đông xuất hiện bão thì miền Trung mới có lụt lớn, song năm nay, áp thấp nhiệt đới chỉ xuất hiện “thoáng qua”, lượng mưa cũng chưa phải quá nhiều như những năm trước đây, ấy thế mà có đến 24 người chết (tính đến 16 giờ chiều hôm qua), đây là điều không bình thường đối với người dân miền Trung trong mùa mưa lũ năm nay, nhưng lại quá quen thuộc đối với các nhà máy thủy điện một khi họ cảm thấy không an toàn cho các hồ chứa nước của mình. Xả lũ bằng mọi giá nếu thấy nguy cơ vỡ đập đã thành câu chuyện bình thường đối với các nhà máy thủy điện ở miền Trung, cũng như giữ nước bằng mọi cách dù hạ du khô hạn như thế nào đi nữa, cũng là điều không mấy xa lạ đối với họ.

Còn nhớ, hai năm trước đây, hàng chục ngàn người dân ở vùng hạ du sông Vu Gia và Thu Bồn của Quảng Nam đã bị các nhà máy thủy điện nhấn chìm trong bùn nước; hàng vạn số phận vùng hạ du sông Ba tỉnh Phú Yên cũng chịu cảnh tương tự. Năm nay, tình trạng trên lại tái diễn. Không những thế, quy trình “xả lũ hai giờ” đã được các nhà máy thủy điện vận dụng triệt để khiến hàng vạn người dân vùng Nông Sơn và Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trở tay không kịp.

Dẫn ra điều này để thấy rằng, những tiếng kêu ai oán của người dân các tỉnh miền Trung từ nhiều năm qua trước “thực trạng xả lũ cấp tập” vẫn chưa đủ để thức tỉnh lương tâm của những “nhà thủy điện”. Trong bản thuyết trình về tính ưu việt của các dự án thủy điện, không một chủ đầu tư nào không nhắc đến câu này: “Góp phần cắt lũ mùa mưa, bổ sung nước mùa khô hạn”. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra và luôn được lặp lại trong mỗi mùa mưa lũ đã phơi bày tất cả những điều “tốt đẹp” mà họ từng thuyết giảng trong mỗi dự án.

Tạo ra nguồn năng lượng sạch để phục vụ con người là một thiện ý của những người làm thủy điện, song gây nên thảm họa cho dân từ nguồn năng lượng ấy thì liệu có còn “sạch” nữa không?

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.