Lũ ở miền Trung: Nhà dân ngập sâu, đường sắt ách tắc, nhiều tàu thuyền gặp nạn

Tính đến tối 15.10, hàng chục ngàn nhà dân ở Quảng Bình, Quảng Trị vẫn còn ngập sâu và bị cô lập do lũ; đường sắt ách tắc, tàu thuyền gặp nạn.

Tại xã Tân Hóa (H.Minh Hóa, Quảng Bình) nhiều nhà dân vẫn còn ngập sâu do nước rút chậm. Địa hình xã Tân Hoá dốc và nằm ở thượng nguồn của nhiều con sông lớn đổ về do đó, nhiều hộ dân bị cô lập hoàn toàn bởi nước lũ.
Ông Cao Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết đến tối 15.10 xã đã sơ tán toàn bộ những hộ dân ở khu vực ngập sâu nguy hiểm đến nơi tránh lũ an toàn.
Mưa lũ làm nhiều nhà cửa, đường sá, hoa màu...tại H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) ngập trong biển nước...
Nhiều tuyến đường thuộc H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị chia cắt vì nước lũ. ẢNH: THANH LỘC
H.Vĩnh Linh là địa phương bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Quảng Trị do hậu quả của mưa lũ. Theo số liệu từ UBND huyện này thì khoảng 3 giờ sáng 15.10, nước bất ngờ dâng cao đã gây ngập tại thôn Phúc Lâm, Lai Xá (xã Vĩnh Long), tuyến đường giao thông dẫn vào các địa phương Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy bị ngập sâu từ 0,7-1m, không thể lưu thông. Khu vực Linh Hải (Vĩnh Thủy), Quảng Xá (Vĩnh Long) do nước từ thượng nguồn đổ về cũng gây ngập.
Hiện vẫn có khoảng 1.000 nhà dân tại các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Long bị ngập trong nước; 10 điểm trường, 3 trung tâm y tế bị ảnh hưởng, 150 ha hoa màu và trên 70% diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại.
Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh cho biết, hiện đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai lực lượng dân quân, công an, thanh niên… hỗ trợ người dân kê lại đồ đạc ứng phó với tình hình ngập lụt; di chuyển người già, trẻ em đến nơi an toàn.
Ông Hồ Xuân Hòe, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, trước đó các hồ Bảo Đài, đập Sa Lung (cùng thuộc H.Vĩnh Linh) đã lên phương án xả lũ để đảm bảo an toàn. Trong đó, đập Bảo Đài có dung tích thiết kế khoảng 26,5 triệu m3, nhưng nay đã vượt 20% so với thiết kế. Mục tiêu xả lũ để bảo vệ đập đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho phía hạ nguồn.
Đường sắt ách tắc
Trong một diễn biến liên quan, do ảnh hưởng của mưa lũ, từ tối ngày 14.10 tại ga Đông Hà đã có hai chuyến tàu bị ách tắc đó là tàu SE2 và SE4 với khoảng 320 hành khách và hành lý. Cho đến 10 giờ sáng 15.10 đã có gần 200 hành khách trả vé đi bằng phương tiện khác. Còn khoảng 120 hành khách đang bị ách tắc tại ga Đông Hà. Ngành đường sắt đã phục vụ cơm miễn phí cho các hành khách này.
Nhiều tàu thuyền gặp nạn
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều tàu hàng neo đậu ở cửa Gianh (H.Bố Trạch) đã bị trôi dạt gây thiệt hại.
Cảng vụ hàng hải Quảng Bình đã cứu được 3 thuyền viên tàu HD 2138 và 3 thuyên viên ở các tàu hàng khác; tàu HD 2138 đã bị chìm, còn 1 thuyền viên mất tích.
Tàu HD 2155 bị lật úp ở gần phao số 0 ở cửa Gianh, 4 thuyền viên mất tích. Tàu ND 2626 với 5 thuyền viên đang mắc cạn ở cửa Gianh; hiện tàu này có nguy cơ bị chìm, trong khi các thuyền viên đang nỗ lực kêu cứu.
Trưa nay 15.10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã liên lạc với Văn phòng PCTT và TKCN quốc gia đề nghị hỗ trợ tìm phương án ứng cứu như trực thăng cứu hộ. Vụ việc được giao cho lực lượng biên phòng chủ trì phối hợp với các ngành giải quyết.
Hiện tàu CBS 9004 đang chuẩn bị tiếp cận tìm phương án cứu nạn, cứu hộ tàu HD 2578 bị trôi ra phao số 0 ở cửa sông Gianh.
Tại cửa Roòn (H.Quảng Trạch) có 12 tàu cá đang bị mắc cạn, 5 tàu bị chìm, 4 tàu đã trôi ra biển (đã cứu được 2 người đang sống). Có 2 tàu cá ở P.Hải Thành và X.Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) bị chìm trên sông Nhật Lệ.
Cũng theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình, hiện số người chết trong mưa lũ đã lên con số 7 và có 5 người mất tích.
Nước ngập đến sâu ở xã Tân Hoá (huyện Minh Hoá, Quảng Bình)

Người dân  Quảng Bình phải dùng nhà bè để nhốt gia súc

Nhiều nhà dân vẫn chìm trong biển nước

Người dân ở Quảng Bình phải dùng đò để di chuyển gia súc đến nơi cao ráo
 
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.