Lũ rút chậm, sạt lở gây ách tắc nhiều nơi

17/11/2023 04:10 GMT+7

Hôm qua (16.11), nước lũ nhiều nơi tại Thừa Thiên-Huế bắt đầu rút chậm, người dân vùng hạ lưu tiếp thêm lương thực và chuẩn bị dọn lũ. Một số tỉnh thành khác ghi nhận nhiều nơi bị sạt lở gây ách tắc giao thông do mưa lớn trong ngày.

Thừa Thiên-Huế: lũ rút chậm

Trong ngày 16.11, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống mưa lụt ở các địa bàn thấp trũng ở H.Quảng Điền và các xã hạ du TP.Huế. Tại các điểm kiểm tra, ông Lưu đã tặng quà, thăm hỏi động viên, yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản khi nước lũ còn diễn biến phức tạp.

Lũ rút chậm, sạt lở gây ách tắc nhiều nơi - Ảnh 1.

Chiều 16.11, nhiều nhà dân tại phố cổ Bao Vinh (TP.Huế) vẫn ngập sâu trong nước

Lê Hoài Nhân

Ghi nhận tại phố cổ Bao Vinh (P.Hương Vinh, TP.Huế) chiều 16.11, khi trời tạnh ráo, nhiều người dân tranh thủ dọn dẹp, đồng thời di chuyển bằng ghe hoặc lội bộ đi mua thêm thực phẩm. Ông Nguyễn Quốc Bình (60 tuổi, nhà ở vị trí thấp nhất của khu phố cổ) cho hay năm nay nước lũ lên nhanh, cao hơn năm 2020 khoảng 10 cm. Sống trong vùng lũ nhiều năm nên ông Bình và nhiều người khác ở khu phố cổ Bao Vinh đã quen với việc ứng phó.

Theo báo cáo nhanh của tỉnh TT-Huế, đợt mưa lũ từ ngày 12 - 16.11 đã khiến 3 người chết và mất tích. Trong đó, vụ lật ghe ngày 15.11 tại P.Hương Vinh làm 1 người chết, 1 người mất tích; tại P.Phú Thượng (TP.Huế) có cháu bé 3 tuổi trượt chân mất tích. Ngoài ra, tại xã Bình Tiến (TX.Hương Trà) xảy ra vụ sạt lở đất đá, vùi lấp khiến 2 người bị thương.

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh TT-Huế, cho biết các hồ chứa nước vẫn đang vận hành rất tốt, điều tiết lưu lượng nước đi và lưu lượng đến phù hợp. "Người dân cứ thấy nước lên thì gọi là xả lũ, nhưng thực chất việc điều tiết nước vận hành tuân thủ quy trình đã được Ban Chỉ huy PCTT-TKCN ban hành", ông Hòa nói.

Lũ rút chậm, sạt lở gây ách tắc nhiều nơi - Ảnh 2.

Cầu gỗ Phú Kiểng bị lũ cuốn trôi

BÁ DUY

Nha Trang ngập sâu trong đêm

Trong đêm 15 và rạng sáng 16.11, nhiều người dân ở các xã vùng ven TP.Nha Trang (Khánh Hòa) bất ngờ khi lũ tràn về quá nhanh, khiến hàng trăm nhà dân các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương (TP.Nha Trang) bị ngập sâu, có nơi hơn 1 m; người dân không kịp trở tay.

Cũng vào đêm 15 và rạng sáng 16.11, cầu gỗ Phú Kiểng (dài 400 m) bắc qua sông Cái, xã Vĩnh Ngọc đã bị nước lũ cuốn trôi, khiến hơn 1.000 hộ dân ở 3 thôn Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 và Xuân Ngọc thuộc xã Vĩnh Ngọc không thể lưu thông qua trung tâm xã. Người dân phải đi đường vòng hơn 12 km để làm việc, học tập.

Cũng do mưa lũ, khoảng 13 giờ ngày 16.11, mưa lớn đã làm một đoạn đèo Khánh Lê thuộc xã Sơn Thái (H.Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) bị sạt lở nặng, khiến đường nối Nha Trang - Đà Lạt bị chia cắt. 

Thế Quang

Sạt lở gây ách tắc giao thông nhiều nơi

Nhiều nơi ở Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum bị sạt lở gây ách tắc giao thông do mưa lớn trong ngày 16.11.

Tại Quảng Ngãi có hơn 90 vị trí sạt lở các tuyến đường tỉnh và quốc lộ, khối lượng ước khoảng 14.891 m³. Tại tuyến QL24, 24B, 24C có nhiều vị trí bị sạt lở ta luy, đất, đá tràn ra mặt đường, lấp rãnh thoát nước dọc và có nguy cơ tiếp tục sạt lở… Ước tính thiệt hại gần 2,5 tỉ đồng.

Khoảng 8 giờ sáng 16.11, mưa lớn kéo dài khiến đèo Violắc trên QL24, nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Đến 13 giờ 30 cùng ngày, 2 điểm sạt lở trên đèo Violắc đã được khắc phục tạm thời, các phương tiện có thể lưu thông qua lại.

Cũng tại Quảng Ngãi, bờ sông Trà Khúc đoạn qua xã Tịnh Sơn (H.Sơn Tịnh) bị sạt lở với chiều dài khoảng 500 m, ảnh hưởng trực tiếp đến 6 hộ dân. Bờ sông Liên Chiểu, đoạn qua xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) bị sạt lở khoảng 800 m. Bờ sông Trà Bồng, đoạn qua các xã Bình Minh, Bình Chương (H.Bình Sơn) bị sạt lở với chiều dài khoảng 1.800 m, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sống ven sông.

Đoạn QL24 qua xã Pờ Ê (H.Kon Plông, Kon Tum) cũng xảy ra sạt lở, xuất hiện vết nứt trên mặt đường có chiều dài khoảng 20 m, sâu gần 5 m vào sáng 16.11. Đường đông Trường Sơn đoạn qua xã Ngọc Tem (H.Kon Plông) cũng xảy ra sạt lở đất dài khoảng 30 m, rộng 10 m, cao trung bình 5 m; đến chiều 16.11, điểm sạt lở này đã cơ bản được khắc phục, giao thông trên tuyến thông suốt.

Lũ rút chậm, sạt lở gây ách tắc nhiều nơi - Ảnh 4.

Tuyến đường đèo Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Thạnh, Bình Định) sạt lở gây ách tắc giao thông

Xuân Dũng

Tại xã miền núi Vĩnh Kim (H.Vĩnh Thạnh, Bình Định), tuyến đường đèo Vĩnh Sơn có tổng cộng 5 điểm sạt lở lớn với khối lượng đất đá tổng cộng 4.285 m³, gây ách tắc giao thông, xe ô tô không qua lại được.

Lũ rút chậm, sạt lở gây ách tắc nhiều nơi - Ảnh 5.

Trưa 16.11, các phương tiện đã được lưu thông qua đoạn sạt lở trên cao tốc La Sơn - Túy Loan

NGỌC HÂN

Khắc phục sạt lở cao tốc La Sơn - Túy Loan

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty CP quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên (đơn vị bảo dưỡng thường xuyên cao tốc La Sơn - Túy Loan), cho biết đến trưa qua 16.11, khu vực sạt lở trên cao tốc La Sơn - Túy Loan tại địa phận TP.Đà Nẵng đã cơ bản khắc phục xong và thông xe. Từ tối 15.11, đơn vị điều động 10 đầu thiết bị cùng 25 công nhân liên tục khắc phục hậu quả sạt lở, làm việc xuyên đêm. Lực lượng chức năng đã khắc phục tạm thời điểm sạt lở, đổ lót lớp đá, cấp phối và các hạt cao su tạo độ nhám và mở rộng về hướng phần taluy âm... đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc.

Lãnh đạo Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng) cho biết những ngày qua cũng đã cắt cử cán bộ, chiến sĩ ứng trực, phân luồng giao thông qua khu vực đang sạt lở để đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Ngọc Hân


Nhiều thiệt hại

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 16 giờ chiều 16.11, đợt mưa lũ ở miền Trung đã khiến 5 người chết và mất tích, hơn 20.000 ngôi nhà bị ngập.

Về tài sản, vẫn còn 12.906 ngôi nhà ngập từ 0,2 - 0,6 m (Quảng Trị 2.413 nhà; TT-Huế 10.472 nhà, Phú Yên 21 nhà). Thời điểm ngập nhiều nhất lên đến 20.761 ngôi nhà ngập, nơi sâu nhất khoảng 1 m.

Về nông nghiệp, 172 ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị 118 ha, Đà Nẵng 4 ha, Khánh Hòa 50 ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị) bị hư hỏng; 1.100 con gia súc, gia cầm, 2 ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi.

Mưa lũ cũng làm 85% các tuyến đường tại TP.Huế (TT-Huế) bị ngập; ngập lụt gây ách tắc tại các tuyến đường QL1A, QL49B, QL49C đi qua địa bàn TT-Huế, Quảng Trị; các đường tỉnh lộ 582, 582B, 584, 4, 6, 6B, 8C, 9, 11A, 11B, 11C, 17, 17B, nhiều tuyến đường liên thôn, xã đi qua địa phận TT-Huế, Quảng Trị bị ách tắc.

Theo dự báo, thời tiết mưa ngập ở miền Trung vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó công tác ứng phó, ý thức phòng chống để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cần được chủ động thường xuyên.

Đình Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.