Lũ sông Hồng rút chậm: Nhiều nơi nguy cơ ngập lụt vẫn kéo dài

Lũ sông Hồng rút chậm: Nhiều nơi nguy cơ ngập lụt vẫn kéo dài

Yến Thi
Yến Thi
13/09/2024 09:21 GMT+7

Lúc 1 giờ sáng 13.9, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đạt mức 10,50 m, ở mức báo động 2. Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra nhiều ngày.

Sáng 13.9.2024, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát tin lũ khẩn cấp trên sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long và sông Thái Bình; tin lũ trên sông Hồng.

Theo đó, lũ trên sông Hồng (tại thành phố Hà Nội) đang xuống. Lúc 1 giờ sáng 13.9, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đạt mức 10,50 m, ở mức báo động 2.

Đến 5 giờ sáng cùng ngày, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục xuống, đạt mức 10,16 m, dưới báo động 2 và đang xuống.

Lũ sông Hồng rút chậm: Nhiều nơi nguy cơ ngập lụt vẫn kéo dài

Lũ trên sông Cầu (tại tỉnh tỉnh Bắc Ninh) đã đạt đỉnh ở mức 7,79 m (trên báo động 3 là 1,49 m) vào lúc 20 giờ ngày 12.9, dưới mức lũ lịch sử năm 1971 là 0,05 m và đang xuống chậm.

Lũ trên sông Hoàng Long (tại tỉnh Ninh Bình) tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93 m (trên báo động 3 là 0,93 m) vào lúc 19 giờ ngày 12.9 và đang xuống chậm.

Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống dưới mức báo động 2; trên sông Lục Nam xuống dưới mức báo động 3; trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Lục Nam tại Lục Nam, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 3.

Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Cầu, sông Thương và sông Hoàng Long tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 3; sông Lục Nam và sông Thái Bình tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 2; sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống dưới mức báo động 1.

Thiệt hại nặng nề sau bão Yagi: 330 người chết và mất tích

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo trong 24 giờ tới, mực nước nhiều trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình có xu thế biến đổi chậm, phổ biến ở mức cao từ báo động 2 - báo động 3, có nơi trên mức báo động 3.

Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.

Mực nước lũ lên cao kéo dài nhiều ngày có thể gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc bộ.

Mực nước trong sông đang ở mức cao gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp, các bãi nổi trên diện rộng kéo dài ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng - sông Thái Bình.

Những tin tức mới nhất về tình hình mưa lũ, sạt lở ở các tỉnh miền bắc sẽ được chúng tôi liên tục cập nhật trên các nền tảng của Báo Thanh Niên, kính mời quý vị đón theo dõi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.