Chung tay khắc phục hậu quả bão số 3

Lũ sông Hồng tại Hà Nội đã đạt đỉnh

13/09/2024 06:28 GMT+7

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đã đạt đỉnh, dự báo sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2, trên báo động 1.

Chiều 12.9, theo báo cáo từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đã đạt đỉnh (lúc 14 giờ) ở mức 11,3 m, dưới báo động (BĐ) 3 là 0,2 m và đang xuống. Dự báo 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ sẽ xuống chậm dưới mức BĐ2, trên BĐ1.

Mực nước sông Hồng giảm chậm, sẽ tiếp tục xuống mức báo động 2

[Nước lũ ở xã Nam Phương Tiến (H.Chương Mỹ, Hà Nội) trưa 12.9]_[ẢNH_ KHẮC HIẾU].jpg

Nước lũ ở xã Nam Phương Tiến (H.Chương Mỹ, Hà Nội) trưa 12.9

ẢNH: KHẮC HIẾU

Tiếp tục sơ tán người dân

Cùng với diễn biến trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội đã lệnh rút BĐ lũ cấp 2 trên sông Hồng tại địa phận TX.Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh. Trước đó, tối 11.9, đơn vị này cũng quyết định rút lệnh BĐ lũ cấp 1 trên sông Đà tại H.Ba Vì.

Dù đã có những thông tin tích cực về tình hình lũ, nhưng nhiều khu vực tại Hà Nội vẫn đang chìm trong nước. Giải pháp được chính quyền tiếp tục quan tâm là sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời hỗ trợ các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Tại Q.Ba Đình, chính quyền và các đơn vị thiết lập điểm hỗ trợ lương thực cho người dân trong vùng bị ngập nước tại khu vực cửa khẩu Tân Ấp, P.Phúc Xá. Trong các khung thời gian từ 7 - 9 giờ, 11 - 14 giờ và 17 - 19 giờ, người dân sẽ được nhận bánh mì, bánh chưng, sữa, nước uống. Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Ba Đình cũng có 2 điểm cung cấp nước sạch cho nhân dân, một ở phố Hồng Hà và một tại phố An Xá. Tới nay, quận đã sơ tán khoảng 1.300 người dân đến các khu vực an toàn, bố trí nơi sinh hoạt cho nhiều người.

Nước lũ bủa vây bệnh viện ung thư ở Hà Nội, khổ càng thêm khổ

Tại H.Sóc Sơn, 2 khu vực ngập nặng nhất là thôn An Lạc và Hòa Bình, thuộc xã Trung Giã. Cuối giờ chiều 12.9, lũ đã chững lại nhưng nhiều vị trí vẫn ngập 3 - 5 m. Để đảm bảo an toàn, lực lượng công an, quân đội, tình nguyện viên… phối hợp sơ tán hàng trăm người dân, đưa về trường học ở nơi cao ráo. Xe chuyên dụng của lực lượng quân đội được điều động, nhằm bảo đảm tốc độ sơ tán nhanh nhất có thể.

Còn tại H.Quốc Oai, mực nước sông Tích vượt BĐ3 là 0,64 m, khiến hơn 1.200 hộ dân ở 6 xã vùng ven sông bị ngập lụt. UBND huyện đã chỉ đạo các xã huy động hơn 1.000 người gồm công an, quân đội, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên cùng người dân địa phương tôn cao bờ bao, mặt đê; tổ chức sơ tán 226 hộ dân bị ngập sâu vào khu vực an toàn.

Có mặt kiểm tra tại "điểm nóng", Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu chính quyền H.Quốc Oai vừa bố trí nơi ở tạm cho người dân, vừa phải hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men để mọi người yên tâm đi sơ tán. Đồng thời, lực lượng công an, quân sự cần bố trí canh gác ở những khu dân cư bị ngập lụt để bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ tài sản.

[Dù mực nước đã xuống thấp hơn, việc đi lại của người dân ở khu vực phố An Dương (Q.Tây Hồ, Hà Nội) vẫn còn khó khăn]_[ẢNH_ ĐẬU TIẾN ĐẠT].jpg

Dù mực nước đã xuống thấp hơn, việc đi lại của người dân ở khu vực phố An Dương (Q.Tây Hồ, Hà Nội) vẫn còn khó khăn

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Dân vùng rốn lũ Hà Nội ‘khát’ nước sạch ngày sông Bùi dâng cao

Lũ xuống nhưng tuyệt đối không chủ quan

Mặc dù lũ trên các sông, nhất là sông Hồng đang xuống, nhưng Hà Nội vẫn nằm trong số các địa phương được cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo ngập lụt trong thời gian tới. Điều này được ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, đề cập trong buổi trao đổi với báo chí trước đó. Theo ông Hòa, tình trạng ngập úng kéo dài có thể là nguy cơ lớn nhất hiện nay. Nguyên nhân là do hiện nước ở các sông chính rất cao, việc thoát nước ra ngoài bị ảnh hưởng.

Ngay trong ngày 12.9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm tại Hà Nội. Đoàn trực tiếp thị sát các khu vực đê xung yếu, khu vực bị ngập sâu tại "rốn lũ" Nam Phương Tiến (H.Chương Mỹ) và Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa - dự án trọng điểm của Hà Nội.

Bộ trưởng Hoan đề nghị TP.Hà Nội triển khai ngay các biện pháp an toàn cho người dân sống tại các khu vực ngoài bãi sông, không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm; đặc biệt là triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê xung yếu và các đoạn đê có nguy cơ xảy ra đùn sủi, thẩm lậu, sạt trượt; các cống cũ hư hỏng xuống cấp; khẩn trương xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều để bảo đảm an toàn hệ thống đê.

Cùng ngày, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với tình trạng nước sông Hồng tăng cao và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại khu vực đê xung yếu xã Trung Châu (H.Đan Phượng), khu vực ngập úng xã Nam Phương Tiến (H.Chương Mỹ). Bà Tuyến đề nghị chính quyền 2 huyện khẩn trương thống kê thiệt hại, xây dựng kế hoạch để hỗ trợ kịp thời người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là diện tích rau xanh bị thiệt hại bởi thiên tai. Bà Tuyến cũng đề nghị các lực lượng tiếp tục tổ chức ứng trực 24/24 theo đúng chỉ đạo của T.Ư và TP.Hà Nội; giữ vững các khu vực đê xung yếu, sơ tán triệt để người dân khỏi khu vực nguy hiểm theo phương châm "không bỏ sót một ai".

Con phố nội thành Hà Nội thành sông, dân lội bì bõm ngày mưa lũ lịch sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.