Con đường đến ngai vàng của vua Bhumibol là cả một chuỗi “tình cờ”. Ông là con của hoàng tử Mahidol, em trai Quốc vương Prajadhipok. Do vua Prajadhipok không có con nên sau khi ông thoái vị năm 1935, anh trai của hoàng thân Bhumibol là Ananda được chỉ định trở thành người kế vị.
Vị vua “bất đắc dĩ”
Cả tuổi thơ của hoàng thân Bhumibol chỉ gắn liền với cọ vẽ, kèn saxophone, clarinet, sáo và guitar. Năm 16 tuổi, ông đã biểu diễn độc tấu saxophone trước công chúng lần đầu tiên. Năm 19 tuổi, nhà vua bắt đầu sáng tác nhạc và bản Mưa rơi với điệu valse ngọt ngào nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm được yêu thích nhất tại Thái Lan đến tận ngày nay.
“Ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã đặc biệt chú ý đến khả năng thiên phú về âm nhạc và một sự hứng thú đặc biệt đối với những thứ xung quanh của cậu ấy”, sơ Marie Xavier, người từng dạy học cho nhà vua nhận xét.
Với tố chất và điều kiện như vậy, con đường âm nhạc chuyên nghiệp đã rộng mở với vị hoàng thân trẻ và ông có lẽ đã trở thành một nhạc sĩ xuất chúng nếu Quốc vương Ananda không đột ngột bị ám sát năm 1946. Thế là chàng trai 19 tuổi bất đắc dĩ trở thành người kế vị anh trai vào tháng 6 cùng năm. Chưa hề chuẩn bị tinh thần cũng như kiến thức để trị vì nên sau khi đăng cơ được 3 tháng, ông quyết định rời Thái Lan sang Thụy Sĩ để học tập, tích lũy “nội lực” cho ngày trở về.
“Khi lên máy bay, tôi vẫn nghe thấy người dân kêu to những lời chúc tốt đẹp. Và khi máy bay vút lên không trung, tôi vẫn còn thấy họ đứng đó vẫy tay chào”, vua Bhumibol từng kể và chính hình ảnh đó đã trở thành động lực cho ông thêm mạnh mẽ nơi xứ người.
Trước đây, ông Bhumibol đăng ký học ngành khoa học tự nhiên tại ĐH Lausanne (Thụy Sĩ). Tuy nhiên, lần này trở lại với cương vị là Quốc vương Thái Lan, ông chuyển sang học luật và khoa học chính trị - xã hội. Tuy nhiên, dù đã quyết định chuyên tâm “học làm vua” nhưng niềm đam mê âm nhạc vẫn cháy bỏng. Thỉnh thoảng, ông lại lái xe 400 cây số đến Paris chỉ để xem một buổi biểu diễn nhạc jazz của nghệ sĩ ông yêu thích.
Sau 5 năm tu nghiệp tại Thụy Sĩ, nhà vua quyết định trở về vào tháng 11.1951. Ở tuổi 24, ông bỏ lại phía sau con đường học thuật và những ngày tháng bình yên để đảm đương một trọng trách mà ông chưa từng mong đợi.
Những thử thách đầu tiên
Ngay khi trở về, vua Bhumibol đã phải đương đầu với nhiều thách thức. Thái Lan lúc bấy giờ đang được điều hành bởi Thủ tướng Pibul Songgram. Là một trong những người khơi mào cuộc cách mạng năm 1932 lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế và sau đó đứng đầu chính phủ 2 nhiệm kỳ (1938 -1944 và 1948 - 1957), thoạt đầu ông thủ tướng dạn dày kinh nghiệm khá “coi nhẹ” nhà vua trẻ.
Quốc vương gặp phải rất nhiều sự chống đối và thậm chí ông không được đi lại tự do ngoài Bangkok. Bên cạnh đó, Thủ tướng Pibul ra sức lôi kéo sự ủng hộ của dư luận. “Những ngày đầu trở về, mỗi khi tôi mở miệng đề xuất một vấn đề nào đó, họ sẽ nói: “Thưa đức vua, ngài không biết gì cả”. Dù biết rất rõ vấn đề đó nhưng lúc đó tôi vẫn im lặng”, vua Bhumibol kể với tờ The New York Times.
Tình hình căng thẳng đến mức cố vấn hoàng gia lúc bấy giờ là Francis Bowes Sayre đã phải viết thư động viên nhà vua và ông đã hồi đáp: “Tôi không bao giờ chán nản. Tôi phải giữ những gì tôi nghĩ là đúng và chắc chắn sẽ cố gắng hết sức để làm điều đó”.
Cũng trong thời điểm này, các dịch bệnh như sốt rét, dịch tả, đậu mùa... là thảm họa tại Thái Lan. Trong giai đoạn 1945 - 1950, có khoảng 15.000 người chết vì đậu mùa, còn ai nhiễm lao thì coi như cầm chắc cái chết. Khi đó, trình độ y học tại Thái Lan chưa cao, lại có rất ít bác sĩ và bệnh viện. Việc di chuyển trong nước cũng rất khó khăn nên những người bị viêm ruột thừa, bạch hầu, tiêu chảy hầu như cũng chịu chết. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh lên đến 6,2%, gấp 7 lần hiện nay.
Vì thế, thay vì tham gia đấu đá chính trường, vua Bhumibol tìm những việc ông có thể làm trong quyền hạn của mình mà có lợi trực tiếp cho người dân. Ông nỗ lực chiến đấu với những thảm họa y tế lúc bấy giờ, đặc biệt là lao và phong. Năm 1953, phòng thí nghiệm do nhà vua tài trợ đã đi vào hoạt động. Đây là nơi sản xuất và lưu trữ vắc xin BCG phòng bệnh lao, sản phẩm sinh học đầu tiên của Thái Lan đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Không những thế, nhà vua còn phê duyệt dự án thành lập trại phong. Lúc này, phong là bệnh nan y và người không may nhiễm bệnh rất bị kỳ thị. Tuy vậy, mỗi khi đến thăm, nhà vua không những trò chuyện trực tiếp mà còn chạm vào bệnh nhân. Chính ông đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân và cả bác sĩ về bệnh này. “Đối với bệnh nhân, bạn phải chữa luôn cả trái tim của họ chứ không chỉ nỗi đau thể xác. Bạn phải làm cho họ tin được bệnh phong có thể chữa khỏi”, vua Bhumibol dặn dò các bác sĩ.
Cung điện cũng là phòng thí nghiệm
Trước khi băng hà ngày 13.10, Quốc vương Bhumibol được xem là trụ cột bình ổn của Thái Lan và đã làm việc không mệt mỏi vì dân chúng trong suốt 70 năm trị vì. Ông đích thân đặt chân đến những khu vực nghèo khó xa xôi để trực tiếp trải nghiệm những khó khăn của người dân.
Nhiều thế hệ người Thái trở nên quen thuộc với hình ảnh nhà vua quỳ dưới đất hỏi thăm gia cảnh, giải thích về dinh dưỡng, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, viết ghi chú rất chi tiết trên những gói thuốc để chắc chắn dân làng hiểu cặn kẽ cách sử dụng. “Vua là chỗ dựa tinh thần của người dân. Mỗi khi mệt mỏi, đau khổ, họ thường nhìn ảnh vua và xem ông như một nguồn động viên lớn”, chuyên gia Montira Rato thuộc ĐH Chulalongkorn chia sẻ với Thanh Niên.
Mặt khác, với quan niệm: “Sức khỏe thể chất và tinh thần tốt là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và an ninh xã hội vì nó cho phép một cá nhân có thể phục vụ hiệu quả và không làm gánh nặng cho quốc gia” nên vua Bhumibol rất quan tâm đến sức khỏe cộng đồng.
Nhận thấy những vấn đề sức khỏe đến từ tình trạng suy dinh dưỡng ở một bộ phận lớn dân chúng nên có lần khi được tặng một giống cá mới có giá trị dinh dưỡng cao, ông quyết định biến hồ bơi trong cung điện thành… hồ nuôi cá thử nghiệm rồi phân phối giống cá này trên toàn quốc. Từ đó, nông dân có thêm nguồn dinh dưỡng mới cũng như tăng thêm thu nhập.
Chưa hết, trước thập niên 1960, sữa vẫn còn rất thiếu thốn ở Thái. Có lần thăm nhà máy sữa ở Đan Mạch, nhà vua nghĩ ngay đến việc áp dụng tại nước mình và ông lại quyết định nuôi thử nghiệm bò sữa… ngay trong cung điện. Hàng trăm nông trại học theo mô hình của ông và dự án thành công đến nỗi xảy ra khủng hoảng vì không đủ cơ sở chế biến sữa nguyên liệu thành sản phẩm. Lời cầu cứu lại đến tai vua và ông lại “hô biến” một phần đất của cung điện thành nhà máy chế biến sữa bột, sữa viên, kem, bơ, phô mai…
Ước mơ theo đuổi con đường khoa học ngày nào phải dang dở vì sứ mệnh làm vua, thì nay với cương vị quốc vương, ông “làm khoa học” ở một quy mô lớn hơn và mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân của mình. (Còn tiếp)
Thái Lan hủy lễ hội thả đèn trời Loy Krathong
Để tưởng niệm nhà vua Bhumibol Adulyadej, nhiều tỉnh thành Thái Lan đã hủy hoặc dời những sự kiện du lịch nổi tiếng. Những chương trình luôn thu hút rất nhiều du khách bị hủy gồm lễ hội thả đèn trời Loy Krathong tại tỉnh Chiangmai, lễ hội rước nến tại tỉnh Sakol Nakorn, các hoạt động về Halloween... còn lễ hội voi tại tỉnh Surin bị hoãn. Theo quy định, các quán bar tại Thái sẽ hoạt động bình thường nhưng hạn chế chơi nhạc sống.
Trong hôm qua 15.10, hàng chục ngàn người Thái từ mọi miền đất nước đổ về hoàng cung tại Bangkok và xếp hàng trong nhiều giờ để ký sổ tang, bày tỏ lòng tiếc thương với Quốc vương Bhumibol.
|
Bình luận (0)