Hai thay đổi cơ bản và quyết định nhất là việc giải tán cái gọi là “chính phủ lâm thời” và không còn coi ông Juan Guaido là người đứng đầu “chính phủ” này nữa. Chỉ có đảng của ông Guaido - một trong 4 đảng phái chính trị cùng nhau thành lập “chính phủ lâm thời” kia vào năm 2019 - không đồng tình.
Ông Juan Guaido |
reuters |
Ông
được Mỹ, Canada, Colombia, một số quốc gia khác ở Nam Mỹ và thành viên EU công nhận là tổng thống hợp pháp và hợp hiến của Venezuela. “Chính phủ lâm thời” do ông Guaido đứng đầu được các nước này trao cho số tài sản của nhà nước Venezuela ở nước ngoài bị họ đóng băng sau khi không công nhận chiến thắng của ông Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 ở Venezuela. Các nước này hậu thuẫn và sử dụng ông Guaido để lật đổ ông Maduro ở Venezuela.
Cho đến nay, tính toán này của họ không thành công. Không những không thành công với việc lật đổ ông Maduro mà phe đối lập ở Venezuela do ông Guaido đứng đầu ngày càng thêm suy yếu, ngày càng bộc lộ rõ thêm là không thể có đủ khả năng lật đổ ông Maduro bất kể được bên ngoài hậu thuẫn đến đâu. Ngay chính các nước bên ngoài này cũng đã bắt đầu nhận ra điều đó nên cho dù vẫn ủng hộ “chính phủ lâm thời” và ông Guaido, nhưng đã bắt đầu dần từng bước tiếp xúc trở lại với chính thể của ông Maduro ở Venezuela.
Với việc hạ bệ ông Guaido và thay thế “chính phủ lâm thời” bằng một ủy ban phối hợp hành động, phe đối lập ở Venezuela tìm kiếm lối đi khác và lựa chọn nhân sự khác để nuôi kỳ vọng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới vào năm 2024. Họ phải buông bỏ ông Guaido để tự cứu chính phe đối lập, ý thức được rằng muốn thắng cử thì phải tranh thủ cử tri chứ không thể chỉ dựa dẫm vào bên ngoài.
Bình luận (0)