Lựa chọn ưu tiên

21/10/2011 02:05 GMT+7

Doanh nghiệp phá sản hàng loạt; giá cả tăng mạnh ảnh hưởng tới cuộc sống người dân; chất lượng đầu tư công thấp trong khi nợ công gia tăng... Những bất ổn của năm 2011 khiến người dân, hơn bao giờ hết đang kỳ vọng vào thái độ quyết liệt của Quốc hội trong việc lựa chọn những mục tiêu ưu tiên để ổn định vĩ mô trong năm 2012.

Sự chờ đợi đầu tiên là Quốc hội tỏ thái độ rõ ràng trong việc lựa chọn giữa tăng trưởng hay chống lạm phát. Chúng ta đều biết, không thể vừa tăng trưởng cao, vừa chống lạm phát. Nếu chúng ta đề chỉ tiêu tăng trưởng cao, chính sách tiền tệ sẽ phải đi theo, nghĩa là phải "bơm" tiền ra để đầu tư, tạo ra của cải và như vậy sẽ áp lực lên lạm phát. Thực tế đã chứng minh, chỉ vì lấn cấn giữa 2 mục tiêu này, chỉ vì muốn cả 2 mục tiêu này mà công cuộc chống lạm phát của chúng ta đã tiến hành liên tục từ năm 2008 đến nay vẫn không đạt kết quả như mong đợi. Nhưng những bất ổn kéo dài từ năm này qua năm khác; hơn 40% doanh nghiệp phá sản và hàng loạt doanh nghiệp vẫn đang ngập trong khó khăn vì lãi suất cao; tỷ giá tăng liên tục; thị trường vàng rối loạn; chất lượng bữa ăn của mỗi gia đình đã và đang tiếp tục sụt giảm do giá cả tăng cao... không cho phép chúng ta  có thái độ nửa vời.  Chính phủ cũng đã xác định nhiệm vụ hàng đầu trong năm tới là tái cấu trúc nền kinh tế. Đó là cơ sở để người dân chờ đợi, Chính phủ thể hiện quyết tâm hy sinh tăng trưởng để chống lạm phát thật quyết liệt, dần dần ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế.

Một vấn đề quan trọng nữa là tính chính xác (sai số thấp nhất có thể) của các chỉ tiêu kinh tế mà Quốc hội đưa ra. Năm 2011 chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi nhiều lần các chỉ tiêu tăng trưởng GDP, đặc biệt là mục tiêu hạn chế lạm phát. Những chỉ tiêu này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công tác điều hành của các cơ quan quản lý. Sự thay đổi liên tục, thay đổi với mức chênh lệch lớn (CPI năm 2011 từ mục tiêu đầu tiên 7% lên tới mức 18% hiện nay và đây vẫn chưa phải con số cuối cùng) khiến doanh nghiệp và ngay chính cơ quan quản lý không thể chủ động trong việc lên kế hoạch hay điều hành. Mất thế chủ động đồng nghĩa với giảm cơ hội, kìm hãm sự phát triển. Vì vậy, xây dựng những chỉ tiêu kinh tế một cách khoa học, sát với thực tế là điều hết sức cần thiết trong năm 2012.

Trên tất cả là thái độ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện đồng bộ, thực hiện nghiêm chỉnh các giải pháp, chính sách đã đề ra. Đây là yếu tố quyết định việc thành, bại của các giải pháp. Minh chứng rõ nhất là trong công tác cắt giảm đầu tư công mà chúng ta đã và đang thực hiện. Chỉ vì thiếu quyết liệt trong việc thực hiện, giải pháp được coi là hữu hiệu nhất trong việc chống lạm phát đã không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.

Năm 2012 chúng ta đối diện với hàng loạt các vấn đề sống còn như giảm nợ công; giảm bội chi ngân sách; sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước... Nếu chúng ta không quyết liệt, không thể giải quyết được các tồn tại của nền kinh tế.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.