Đồng thời vờ hỏi mượn bản photo CMND chủ nhà để đi kiểm tra tính pháp lý nhưng thực tế là làm giả khi ra giao dịch mua bán.
tin liên quan
Mua nhà đấu giá trúng... giấy tờ giảBà Đoàn Thị Phú (ngụ Q.5, TP.HCM) mua trúng đấu giá căn nhà gần 3 tỉ đồng của Chi cục Thi hành án dân sự Q.Bình Thạnh do Công ty đấu giá Lam Sơn bán đấu giá và đã nhận nhà từ năm 2012, nhưng đến nay chưa sang tên được vì... giấy tờ giả.
Nhà bị bán lúc nào không hay
|
Tháng 7.2016, ông Nguyễn Quốc Vượng (ngụ Q.Bình Thạnh) đến Văn phòng đăng ký đất đai Q.Gò Vấp đăng ký biến động về một thửa đất ở P.12 do ông mua của ông Nguyễn Lộc Mẫn, bà Nguyễn Thị Bích Thủy. Qua đối chiếu hồ sơ lưu trữ, Văn phòng đăng ký đất đai Q.Gò Vấp phát hiện chủ thửa đất là ông Mẫn, bà Thủy đã bán lô đất này cho bà Bùi Thị Hoàng Oanh theo hợp đồng chuyển nhượng tại Phòng Công chứng số 5 (Q.Gò Vấp), đăng ký thay đổi chủ sở hữu ngày 16.5.2016. Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP.HCM giám định kết luận sổ hồng ông Vượng cung cấp là sổ thật nhưng ông Vượng bị 2 đối tượng chưa rõ nhân thân giả mạo ông Mẫn, bà Thủy lừa bán thửa đất trên cho ông; còn sổ hồng ông Mẫn, bà Thủy (chủ đất) sang nhượng cho bà Oanh là sổ giả. Nhưng làm thế nào tráo đổi được sổ thật và qua mặt được phòng công chứng hiện đang được cơ quan điều tra làm rõ.
Trước đó, tháng 8.2015, vợ chồng ông Nguyễn Thế Anh (ngụ P.14, Q.11, TP.HCM) ra phòng công chứng ký hợp đồng bán căn nhà số 341/M6 Lạc Long Quân, P.5, Q.11 cho một người khác thì tá hỏa vì căn nhà đã được bán, cập nhật sang tên cho một người tên V.Q.H vào tháng 5.2015. Ông Anh gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng và Công an TP.HCM xác định giấy chủ quyền ông Anh đang giữ là bản photocopy màu, sổ hồng ông H. đang cầm là sổ thật.
Theo đơn gửi Công an TP.HCM, ông Anh trình bày: Tháng 3.2015, có một phụ nữ đến thuê nhà của ông nhưng tìm mọi cách trì hoãn không ra phòng công chứng để ký hợp đồng. Sau đó lại có một phụ nữ khác đến hỏi mua nhà, thỏa thuận giá cả và xin bản photocopy toàn bộ hồ sơ gồm giấy chủ quyền nhà, hộ khẩu, CMND và giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng ông; đến ngày 21.4.2015, người phụ nữ này cùng một số người quay lại và yêu cầu ông Anh đưa bản chính giấy chủ quyền nhà ra để xem lại. Sau một lúc xem sổ rồi xem nhà, nhóm người này trả lại sổ cho ông bà và thoái thác không mua căn nhà nữa.
|
Là người mua nhà từ chủ sở hữu giả, ông H. cho biết vì thấy giá rẻ nên mua nhanh, gọn, khi đến nhận nhà thì thấy ông bà Anh không phải là người đã ký hợp đồng với mình. Hiện, căn nhà vợ chồng ông Anh vẫn đang quản lý, nhưng không thể cho thuê, mua bán gì được, vì đang chờ cơ quan chức năng làm rõ.
Trường hợp khác lừa tráo sổ tinh vi hơn. Tháng 4.2016, ông Nguyễn Văn Hồng (ngụ xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) thỏa thuận bán một thửa đất trồng lúa tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh cho bà N.T.D.H (ngụ Q.5, TP.HCM). Bà H. yêu cầu phải chuyển mục đích sử dụng sang đất vườn và đề nghị ông Hồng làm hợp đồng ủy quyền cho một người tên Đào Thế Thìn làm thủ tục. Khi ông Hồng đặt bút ký vào hợp đồng ủy quyền thì Đào Thế Thìn nói quên đem theo giấy CMND nên chưa ký, rồi giữ lại hợp đồng này. Ông Hồng về nhà chờ mãi không thấy người tên Thìn đến ký hợp đồng nên ông đem giấy chứng nhận ra xem thì phát hiện có những dấu hiệu lạ: Giấy chứng nhận của ông trước đó bị rách, dán băng keo, ghi tỷ lệ 1/4.000, còn bản ông đang giữ thì mới tinh, ghi tỷ lệ 1/40.000. Ông Hồng lên Phòng TN-MT H.Bình Chánh hỏi thì tá hỏa khi biết Đào Thế Thìn đã dùng giấy chứng nhận của ông, ủy quyền tiếp cho một người khác tên Nguyễn Tiến Hải và Hải đã bán thửa đất trên. Qua kiểm tra, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất H.Bình Chánh xác nhận giấy chứng nhận ông Hồng đang giữ là giả.
tin liên quan
Làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lừa tiền ngân hàng(TNO) Ngày 15.9, TAND TP.Đà Nẵng tuyên phạt Lê Thị Tuyết Nhung (52 tuổi, ngụ 42 Thái Thị Bôi, P.Chính Gián, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) 12 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cảnh giác
Ông Hoàng Xuân Ngụ, Trưởng văn phòng công chứng Hoàng Xuân (TP.HCM) cho biết có tháng văn phòng phát hiện 4 vụ khách hàng sử dụng CMND giả đến giao dịch. Khi phát hiện, văn phòng đã chuyển giao hồ sơ cho cơ quan công an xử lý theo quy định. Ông Nguyễn Quang Thắng, Phó chủ tịch Hội Công chứng viên TP.HCM cũng cho hay tuy chưa có thống kê tổ chức hành nghề công chứng phát hiện bao nhiêu vụ giả chủ nhà đến giao dịch nhưng theo ông Thắng “tình trạng này là khá phổ biến”.
|
Phó trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự, xã hội (Viện KSND TP.HCM) Vũ Thị Xuân Nhuệ, cho biết gần đây các cơ quan tố tụng có nhận những đơn tố cáo liên quan hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với chiêu thức trên. Vụ việc nào có đủ căn cứ khởi tố vụ án, cơ quan tố tụng vẫn khởi tố nhưng có vụ vì không xác định được đối tượng lừa đảo nên vụ án phải tạm đình chỉ, có khi hết thời hiệu thì đình chỉ vụ án. Những vụ án bắt được đối tượng vi phạm và đưa ra xét xử là khá hiếm hoi. Bà Nhuệ cảnh báo người dân nên thận trọng, bởi gần đây xuất hiện nhóm lừa đảo phân công khá chặt chẽ: người đi thuê nhà rồi vào ở, giả đóng như chủ nhà thật sự, còn đồng bọn thì nhận nhiệm vụ tráo sổ, mượn CMND photocopy để làm giả nên có trường hợp dù người mua xuống tận nhà mà vẫn “dính bẫy”. “Tốt nhất nếu mua nhà thì cần xác minh ở chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn”, bà Nhuệ nói.
Theo luật sư Bùi Thới Vinh (Đoàn luật sư TP.HCM): "Người mua ngoài việc xác minh tính pháp lý, giấy tờ nhà thì cần hỏi thêm về nhân thân người bán thông qua tổ dân phố, những người hàng xóm... Còn chủ tài sản không nên nhận tiền cọc rồi đưa bản photocopy sổ hồng/đỏ, CMND cho bên hỏi mua. Chủ nhà cứ nói thẳng người mua cần thì ra cơ quan chức năng xem tình trạng pháp lý căn nhà. Khi đưa giấy tờ nhà, đất cho người hỏi mua (đi một nhóm) xem thì hết sức cảnh giác bị đánh tráo giấy tờ giả”.
Theo Phó chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM Nguyễn Trí Hòa: “Nhiều người mua nhà thấy giá rẻ muốn thực hiện công chứng thật nhanh rồi từ chối quyền yêu cầu công chứng viên đi xác minh; thậm chí có trường hợp người mua không đến tận nơi xem nhà, đất mà chỉ mua trên giấy tờ. Đến khi hoàn tất giao dịch mới phát hiện bị lừa”.
Nếu gặp tình huống bị đánh tráo, lừa như trên, để bảo vệ tài sản, theo các luật sư, cả người mua nhà và chủ nhà (bên bị lừa) làm đơn tố cáo gửi công an để ngăn chặn tài sản không bị giao dịch tiếp, truy tìm thủ phạm; khởi kiện yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng bồi thường vì chứng thực các giao dịch, hợp đồng không phát hiện sự gian dối để kẻ lừa đảo thực hiện trót lọt hành vi phạm tội.
Cho mượn giấy tờ nhà sau đó nhà bị bán
Theo đơn tố cáo của ông Phan Văn Hợi (ngụ P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM), đầu tháng 8.2016, qua môi giới, ông vay 350 triệu đồng của một người tên L.T.K.Y. Sau khi giao trước 200 triệu đồng, bà Y. đề nghị mượn giấy tờ nhà, CMND của ông Hợi để làm hợp đồng vay tiền và hẹn đến ngày ký hợp đồng sẽ trả giấy tờ và giao phần tiền còn lại. Tuy nhiên, chờ mãi không thấy bà Y. đến, ngày 8.11, ông Hợi đến Phòng TN-MT Q.9 hỏi thì mới biết căn nhà của ông đã được sang tên cho một người tên Trần Thị Hương Thảo (ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Trong đơn gửi công an, ông Hợi khẳng định vợ chồng ông không ký bất cứ giấy tờ nào về việc bán căn nhà trên. Tìm hiểu thì ông biết vào tháng 8.2016, có hai người sử dụng giấy tờ nhà của ông và giả mạo vợ chồng ông ký hợp đồng công chứng bán căn nhà cho người khác (tên Thảo). Vợ chồng ông vội vàng làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
|
Bình luận (0)