(TNO) Nhiều cán bộ đoàn cấp cơ sở đã quá tuổi Đoàn (quá 35 tuổi) nhưng chưa được luân chuyển công tác. Thực trạng đầu ra cho cán bộ Đoàn ở nhiều địa phương đang gặp nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Tuấn nêu ý kiến - Ảnh: Cẩm Giang
|
Sáng nay, 24.3, diễn đàn “Sử dụng cán bộ trẻ và đầu ra cho cán bộ Đoàn” diễn ra tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, với sự tham dự của 160 đại biểu.
“Tôi được trang bị kiến thức, được rèn luyện nhưng “ai ra đâu mà mình vào”, bản thân tôi rất muốn thay đổi công việc nhưng làm gì đã có ai nghỉ để tôi thay thế”, anh Nguyễn Văn Tuấn, 40 tuổi, Bí thư đoàn xã Ngọc Tảo, gần 16 năm làm công tác đoàn, 11 năm làm Phó bí thư đoàn xã, 5 năm làm Bí thư đoàn xã Ngọc Tảo chia sẻ tại diễn đàn.
Ông Khuất Duy Kim, Bí thư đảng ủy xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ cũng nói vui ở xã ông có nhiều người trẻ có năng lực nhưng bản thân... Bí thư Đảng ủy sinh năm 1960, về công tác tại xã từ năm 1983, vậy là phải chờ đến khi Bí thư về hưu các cháu mới thay thế.
Anh Kiều Cao Việt - Ảnh: Cẩm Giang
|
Anh Kiều Cao Việt, Bí thư Đoàn xã Tích Giang, 39 tuổi, 20 năm tuổi Đảng, có 17 năm công tác Đoàn, dẫn chứng câu chuyện tại xã Tích Giang: nhiều người làm công tác Đoàn chưa được luân chuyển công tác khác, nhiều người phải tự đi tìm công việc khác, 1 cán bộ Đoàn phải đi xuất khẩu lao động.
"Con tôi đã học lớp 9, bố vẫn là cán bộ Đoàn, 2 bố con nói chuyện với con như 2 người đồng chí", anh Việt nói vui.
Trẻ hóa cán bộ Đoàn cơ sở
Anh Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy huyện Phúc Thọ đồng tình với thực trạng hiện nay: Có nhiều xã chức danh công chức đã kín. Không có ai về hưu để cán bộ Đoàn thay thế.
|
Bí thư huyện Đoàn Phúc Thọ Nguyễn Đức Tiến nhìn nhận: nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi là cơ chế luân chuyển cán bộ ở các địa phương còn nhiều khó khăn. Đơn vị xã có khoảng 20 cán bộ được biên chế và thường là các chức vụ Bí thư, Chủ tịch, trưởng các ban ngành, đoàn thể. Do đó, khi các cán bộ về hưu thì mới có chỗ trống cho cán bộ đoàn thay thế.
Bên cạnh đó là năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ đoàn còn hạn chế. Có bí thư đoàn xã mới tốt nghiệp Trung cấp hoặc Đại học tại chức nên rất khó khăn trong luân chuyển, bố trí công tác khác phù hợp.
“Nhiều cơ sở đoàn có thủ lĩnh lớn tuổi đang hoạt động sôi nổi, hiệu quả. Tuy nhiên cán bộ Đoàn là thủ lĩnh của những người trẻ, để tổ chức Đoàn thực sự vững mạnh thì công tác trẻ hóa cán bộ Đoàn cơ sở nhất thiết phải được chú trọng”, anh Tiến nói.
Anh Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy huyện Phúc Thọ phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Cẩm Giang
|
Anh Hoàng Ngọc Lan, Bí thư đảng ủy xã Vân Phúc đề xuất: "Để tìm được đầu ra tốt, mỗi cán bộ Đoàn cần phải được bồi dưỡng ngay từ khi mới nhậm chức. Cán bộ Đoàn phải tự lớn lên, biết thể hiện bản thân đúng lúc, tạo niềm tin với mọi người, đồng thời phải tự định hướng cho mình, thử sức với những công việc khó".
Anh Nguyễn Văn Tuấn, 40 tuổi, Bí thư đoàn xã Ngọc Tảo cũng nêu ý kiến, mỗi thủ lĩnh thanh niên phải đặt ra mục tiêu rõ ràng, chúng ta phải cống hiến, nhưng chúng ta cũng biết làm gì khi chúng ta không làm cán bộ Đoàn nữa.
Bình luận (0)