Luật còn bỏ sót những thay đổi của cuộc sống

31/05/2018 07:57 GMT+7

Chiều 30.5, thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần sửa đổi toàn diện để khắc phục tình trạng nhiều không gian giáo dục đã bị dự luật bỏ quên.

Không gian giáo dục đang thay đổi
Nhận xét về dự thảo luật, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng có lẽ vì ban soạn thảo hầu hết là những người trong ngành giáo dục nên dự thảo bị bó gọn trong không gian truyền thống của nhà trường mà quên rằng không gian giáo dục đang thay đổi và trở nên rộng lớn hơn rất nhiều. Đó là không gian học tập trên internet, trong thời đại 4.0 hay những khu vực học tập được tư nhân đầu tư để người học tự do thuê không gian theo hướng xã hội học tập tương tác giữa học và hành… Bên cạnh đó, theo đại biểu (ĐB) đoàn Đồng Nai, những vấn đề như trường quốc tế tại VN, hay câu chuyện hàng vạn du học sinh VN ra nước ngoài bằng ngân sách nhà nước rất tốn kém cũng là những vấn đề rất cần được đề cập đến trong “luật mẹ” này, song tiếc là dự thảo gần như bỏ qua.
ĐB Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cũng bày tỏ lo ngại, tác động của cách mạng 4.0 khiến cơ cấu lao động sẽ khác, đòi hỏi giáo dục phải thay đổi cả về phương thức tuyển sinh lẫn đào tạo. “Ví dụ, đào tạo trực tuyến, học online sẽ phát triển, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách để quản lý sinh viên, phát huy sự tự giác, tự chủ của sinh viên. Hay hiện nay nhiều trường đã đưa vấn đề khởi nghiệp vào giảng dạy. Do đó, cần có quy định pháp lý về vấn đề này để thúc đẩy khởi nghiệp”, ĐB Đạt nói.
ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư, bày tỏ mong muốn dự luật phải đề cập đến việc phát triển con người một cách toàn diện từ đạo đức, thể chất đến văn hóa, trí tuệ. Chú ý việc tăng cường giáo dục thêm kỹ năng sống, “kỹ năng mềm” cho học sinh , sinh viên bởi thực tế đây là điều mà học sinh VN đang yếu. “Đạo đức là kết quả của truyền thống, lịch sử dân tộc. Đó là nguồn lực nhưng ta chưa biết đặt nó đúng tầm mức. Gần đây, xem các chương trình như Olympia, Ai là triệu phú thì tôi thấy cứ đến các câu hỏi về văn hóa, lịch sử là lỗ hổng nhất, người chơi hay mất điểm nhất”, ĐB Chính chia sẻ.
Phải sửa đổi căn bản
ĐB Dương Trung Quốc đề nghị phải sửa đổi căn bản, thậm chí cần có một bộ luật Giáo dục với các luật con như luật Giáo dục đại học, luật Giáo dục hướng nghiệp… với triết lý “giáo dục là đào tạo con người một cách bài bản với một hệ thống giá trị” thay vì đi sửa vụn vặt, vá víu.
ĐB Nguyễn Phi Long (Bình Định) đồng tình khi cho rằng luật Giáo dục là luật cốt yếu nhất, chi phối toàn bộ nền tảng giáo dục cũng như định hướng, định hình nền giáo dục. Cho nên, nếu không giải quyết được cái gốc này thì càng lên cao càng khó sửa. “Do đó, nếu chỉ làm luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục thì chưa đủ tầm. Luật lần này phải sửa toàn diện, nên lấy tên là luật Giáo dục sửa đổi”, ĐB Long đề xuất.
ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) nhấn mạnh, trong hệ thống giáo dục, luật Giáo dục phải là luật “cái”, luật “mẹ”, các luật khác là luật nhánh. Với góc độ là luật "cái", phải sửa toàn diện, nếu sửa một số điều thì không gánh vác được trách nhiệm phục vụ phát triển đất nước trong bối cảnh chúng ta là nước “trẻ”, đang học tập. Tuy nhiên, do phải sửa toàn diện, nên với thiết kế như dự thảo hiện nay, ĐB Khải cho biết ông “không biết góp ý thế nào mà chờ đợi một phiên bản khác hơn của dự luật”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận luật cần sửa toàn diện. “Đúng là luật Giáo dục được hiểu như luật ống, luật khung, trên cơ sở đó sẽ có các luật vào các bậc học cụ thể, hiện mới có luật Giáo dục đại học và luật Giáo dục nghề nghiệp; tới đây có thể có luật Mầm non, luật Giáo dục phổ thông, luật Nhà giáo... hình thành một bộ luật về giáo dục. Cách tiếp cận là hướng tới một bộ luật Giáo dục hoàn chỉnh mà nội dung luật Giáo dục là nền tảng. Nếu Quốc hội (QH) cho phép, tên của luật thay vì là “Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Giáo dục” sẽ đổi thành luật Giáo dục sửa đổi hoặc luật Giáo dục 2018. Cá nhân tôi chọn phương án luật Giáo dục 2018, vì chúng ta đã sửa quá nhiều lần rồi. Nếu QH đồng ý phương án này thì chúng tôi tiếp tục làm sâu sắc thêm”, Bộ trưởng Nhạ cho biết.
Có thay học phí bằng “học giá” nếu tính theo luật Giá ?
Trước phản ứng của dư luận, trong ngày 30.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã 3 lần nói về vấn đề giá dịch vụ giáo dục. Bộ trưởng khẳng định vẫn dùng khái niệm học phí chứ không bỏ, giá dịch vụ giáo dục chỉ là một cơ chế tính để tiến tới tự chủ và tính đúng, tính đủ chi phí học. “Học phí không bao trùm tất cả chi phí mà cơ sở giáo dục cung cấp, hoặc sau này có những chi phí nhà nước đặt hàng thì phải tính theo luật Giá. Những khoản các đơn vị giáo dục được thu cũng phải xây dựng thang tính đúng, tính đủ. Luật Giáo dục đại học thêm một khái niệm giá dịch vụ để sau này có lộ trình tính học phí theo Nghị định 16 của Chính phủ và Nghị quyết của T.Ư, từng bước tính đúng, tính đủ chi phí học theo giá dịch vụ, chứ không phải quy định như vậy là thương mại hóa”.
Nhà nước pháp quyền vẫn còn xa nếu còn quản lý bằng thông tư
Thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh diễn ra sáng 30.5, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh quá nhiều cho thấy cần phải xem xét lại tính chủ động của QH trong làm luật. Bà Tâm cho biết có những dự án luật thông qua làm bà rất lo lắng. “Ví dụ, tôi thấy luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vừa rồi còn nhiều ý kiến đăng ký, chưa được phát biểu, nhưng rồi chúng ta sẽ thông qua trong kỳ họp này, làm tôi rất lo lắng”.
Cũng băn khoăn về tình trạng “nay xin rút, mai xin lùi” khi lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cho rằng, điều này cho thấy việc triển khai thực hiện nghị quyết và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH vẫn chưa nghiêm. ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) thắc mắc: “Cho đến nay, chúng ta gần như chạy theo các đề xuất của Chính phủ, vậy vai trò lập pháp của QH ở đâu?”. Cũng theo ĐB này, việc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta vẫn “còn rất xa” vì vẫn đang ban hành luật với những nguyên tắc rất chung, phải chờ đến nghị định, thông tư. “Một đất nước mà quản lý chủ yếu bằng thông tư thì tôi nghĩ rằng vi phạm pháp luật sẽ phổ biến”, ĐB Vân nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.