(TNO) Theo luật, chỉ 3 người đứng đầu cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia trong nước mới được thi hoa hậu ở nước ngoài. Đây là lý do nhiều thí sinh thi hoa hậu “chui”.
Không đủ tiêu chuẩn đi thi theo luật trong nước, nhưng Lâm Thùy Anh vẫn đoạt giải ở nước ngoài
|
Khi người đẹp Quế Vân đoạt giải Á hậu người Việt thế giới bị phát hiện đi thi không phép cách đây 3 năm, cô phân bua rằng mình không biết luật. Cô cũng cho biết sẵn sàng nộp phạt vì đó là trách nhiệm công dân khi vi phạm. Giải thích lý do của cô hoàn toàn không giống với cách ông bầu của người mẫu Lâm Thùy Anh. Thùy Anh vừa giành giải Á hậu 4 cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn cầu - Miss Global Beauty Queen 2015 tổ chức tại Hàn Quốc.
“Chúng tôi có xin phép Sở (Sở VH-TT-DL TP.HCM - PV) thì chắc chắn cũng không cấp”, nhà thiết kế Văn Thành Công nói.
Sở VH-TT-DL TP.HCM có lý của họ khi không cấp phép. Trước đó, Lâm Thùy Anh chưa từng đoạt giải bất cứ cuộc thi người đẹp cấp quốc gia nào. Trong khi, theo luật, chỉ 3 người đứng đầu cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia trong nước mới được quyền đi thi hoa hậu ở nước ngoài. Trước Lâm Thùy Anh, cũng đã có hàng loạt người đẹp đi thi chui như vậy.
Về việc nhiều người đẹp đi thi chui, ông Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL cho biết: “Quan trọng là ý thức, thứ nữa là họ không đạt tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn đi thi quốc tế thì phải có giải trong nước. Nếu không, chỉ cần cao ráo sáng sủa một tí, học hết lớp 7 lớp 5 cũng đi thi thì chết”.
Luật Việt Nam khó hơn các nước
Với những cuộc thi nhất nhì thế giới như Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ, thể lệ thi được xiết rất chặt. Tại các cuộc thi này, người dự thi được yêu cầu phải là người từng đoạt giải chính thức tại các cuộc thi trong nước. Tuy nhiên, một số cuộc thi khác không yêu cầu giải thưởng chính thức này. Bù lại, họ yêu cầu thí sinh phải điền hồ sơ, gửi các clip ghi hình, bài báo viết về cuộc thi người đẹp họ từng tham dự. Như vậy, “cửa” đi thi cho các người đẹp top 5, top 10 hoàn toàn có. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, nhiều người “trượt từ vòng gửi xe” bởi chính luật lệ trong nước.
Bản thân quy định có giải này cũng sẽ cản trở những người đẹp đẹp nhất khi chưa kịp có cuộc thi hoa hậu. Vì các cuộc thi hoa hậu khó có thể tổ chức thường niên. Như thế, không chỉ thí sinh Việt Nam chịu thiệt, mà việc đi thi chui cũng sẽ bắt nguồn từ đây.
Điểm bất hợp lý nữa của quy định này, là quy mô của các cuộc thi cấp quốc gia (tuyển thí sinh từ mọi miền đất nước) cũng khác nhau. Do đó, top 10 của cuộc thi này hoàn toàn có thể có chất lượng tốt hơn nhiều top 3 của cuộc thi khác. Nó tạo nên bất công cho các thí sinh ở các cuộc thi quy mô lớn.
Trên thực tế, phần lớn thí sinh đều được ban tổ chức cuộc thi hoa hậu quốc tế mời đích danh. Như vậy, bản thân cuộc thi đã chấp nhận chất lượng của các thí sinh này. Vì thế, nếu lý lịch tư pháp tốt, vì sao lại không tạo điều kiện cho họ đi thi.
Tuy nhiên, về phía Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Chương cho rằng không có gì phải tiếc khi thí sinh đang độ nhan sắc chưa kịp có giải trong nước phải bỏ thi hoa hậu quốc tế. “Thi sắc đẹp không chỉ là thi, mà còn là đại diện quốc gia đi thi, vì thế nó còn nhiều vấn đề. Văn hóa của anh thế nào. Trình độ của anh thế nào. Đạo đức của anh thế nào. Ngoài việc anh cao ráo có ngoại hình, còn quan trọng bên trong. Chứ đẹp không mà đi thi thì ở nhiều nơi còn có nhiều người đẹp hơn những người đã được danh hiệu”, ông nói.
Ông Chương cũng thừa nhận: “Cái nhức nhối nhất là cái này (thi người đẹp chui - PV)”.
Theo ông Chương, phải có chế tài mạnh hơn để xử lý đi thi chui. Hiện mức phạt cho hành vi đi thi chui này vào khoảng 15 - 30 triệu đồng. “Khi lấy ý kiến về dự thảo nghị định, các ban, bộ đều cho rằng, phạt như thế (15 - 30 triệu đồng) cũng đã là cao rồi. Nhưng vấn đề là đi đằng sau họ có một ông bầu, có người tài trợ”, ông Chương nói.
Theo ông Chương, thời gian tới, quản lý văn hóa sẽ kết hợp với công an để xử lý vấn đề thi chui. “Thậm chí là tạm dừng xuất nhập cảnh”, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh.
Bình luận (0)