Sáng 29.10, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình về luật Đầu tư công sửa đổi. Theo Chính phủ, sau gần 5 năm thực hiện, luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc cấp bách cần xử lý, tháo gỡ.
Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành các nghị quyết phân cấp cho địa phương để thực hiện một số dự án đầu tư công có quy mô lớn, đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng. Đây là những vấn đề “đã chín, đã rõ”, cần nghiên cứu luật hóa để mở rộng phạm vi áp dụng.
Tăng gấp đôi quy mô vốn dự án
Theo đó, luật Đầu tư công sửa đổi bổ sung 7 nhóm quan điểm lớn, như bổ sung quy định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn. Cắt giảm, đơn giản hóa một số trình tự, thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác. Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài…
Dự thảo luật gồm 7 chương, 109 điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không thay đổi về nội hàm chính sách so với luật Đầu tư công năm 2019, bổ sung mới 15 điều, bãi bỏ 7 điều).
Đặc biệt, bổ sung chương mới về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, quản lý kế hoạch vốn đầu tư nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, nhóm B và nhóm C, dự luật nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỉ đồng lên 30.000 tỉ đồng.
Đồng thời, nâng quy mô tổng mức đầu tư dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C gấp 2 lần so với quy định hiện hành. Lý giải điều này, Bộ trưởng KH-ĐT nói, quy mô vốn được quy định tại luật Đầu tư công năm 2014 và vẫn giữ nguyên trong luật năm 2019.
Tuy nhiên, giai đoạn 2013 - 2024 quy mô GDP tăng khoảng 2,5 lần (từ 4,47 triệu tỉ đồng lên 11,36 triệu tỉ đồng), tổng chi ngân sách nhà nước tăng 2,9 lần (từ 791.000 tỉ đồng lên 2,28 triệu tỉ đồng). Mặt bằng giá cả, chi phí nhân công, định mức đầu tư xây dựng… cũng tăng lên…
Theo tờ trình Chính phủ, tổng mức đầu tư của các dự án triển khai trong giai đoạn tới sẽ tăng do tăng chi phí giải phóng mặt bằng khi áp dụng quy định của luật Đất đai năm 2024 và các địa phương ban hành bảng giá đất mới làm cơ sở tính chi phí giải phóng mặt bằng.
Đơn cử như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm của TP.HCM vừa được điều chỉnh tăng vốn từ 9.600 tỉ đồng lên 17.200 tỉ đồng, chủ yếu do tăng giải phóng mặt bằng do áp dụng giá đền bù theo luật Đất đai mới (từ 6.600 tỉ đồng lên gần 14.000 tỉ đồng), trong khi các hạng mục cơ bản giữ nguyên.
Do đó, theo Chính phủ, việc nâng quy mô về vốn trong tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C là phù hợp.
Khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án"
Nêu ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về cơ bản các đại biểu nhất trí việc cần thiết sửa đổi luật Đầu tư công.
Cạnh đó, một số ý kiến cho rằng vướng mắc chủ yếu thời gian qua của luật liên quan việc tổ chức thực hiện, do “bệnh sợ trách nhiệm” của không ít cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và một số vướng mắc tại các luật chuyên ngành. Chính phủ cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, việc sửa đổi cần giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Đặc biệt, cần nghiên cứu sửa đổi các luật Đầu tư công, luật Xây dựng, khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án”...
Đáng chú ý, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, dự án luật Đầu tư công mới được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, thời gian gấp, phạm vi sửa đổi lớn, Chính phủ mới chỉ lấy ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh, chưa lấy ý kiến HĐND là đối tượng chịu tác động lớn của dự án luật.
Cơ quan thẩm tra không đủ thời gian tổ chức các hội thảo, khảo sát lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là những nội dung mới, còn nhiều ý kiến khác nhau để báo cáo Quốc hội.
Vì vậy, việc trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV là rất gấp, cần được tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Trường hợp đạt được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận tại Quốc hội thì có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp. Trường hợp chưa đạt được sự đồng thuận cao thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua theo quy trình 2 kỳ họp.
Một số ý kiến đề nghị trình Quốc hội thông qua theo quy trình 2 kỳ họp để đảm nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, tránh tình trạng luật ban hành mới lại phát sinh các vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị chỉ xem xét, sửa đổi một số điều cần thiết và thông qua tại kỳ họp này.
Bình luận (0)