Cần có lộ trình rõ ràng để xóa bù chéo trong giá điện

Nguyên Nga
Nguyên Nga
19/08/2024 14:52 GMT+7

Theo Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, dự thảo luật Điện lực sửa đổi cần có lộ trình rõ ràng hơn để xóa bỏ tình trạng bù chéo giá điện sinh hoạt cho sản xuất.

Chiều 19.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 36, thảo luận dự thảo luật Điện lực (sửa đổi).

Theo Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường nêu ra trong quá trình thẩm tra dự thảo luật, việc bổ sung các quy định về xây dựng chính sách giá điện tiến tới sát thị trường là phù hợp. Và các quy định về giảm bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng chưa thể hiện cụ thể tại dự thảo luật.

Cụ thể, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường nhận xét: Dự thảo luật cần đưa ra nguyên tắc, lộ trình rõ ràng hơn về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng. Việc này nhằm đảm bảo bình đẳng xã hội, nguyên tắc thị trường và khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung cơ chế về giá điện hai thành phần, nhập khẩu và xuất khẩu.

Cần có lộ trình rõ ràng để xóa bù chéo trong giá điện- Ảnh 1.

Giá điện sinh hoạt của người dân đang chi trả cao hơn giá điện sản xuất tại nhiều thời điểm

Đ.N.T

Thực tế, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn điện bán sản xuất của doanh nghiệp và người dùng nhiều bù cho dùng ít. Trong khi đó, tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đưa ra định hướng rõ ràng là không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.

Thế nên, tại lần sửa đổi này, dự thảo luật Điện lực phải bổ sung quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ hợp lý, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá giữa các vùng miền và nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cơ chế giá điện cũng được áp dụng phù hợp với các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn.

Trước đó, khi giải trình bổ sung chất vấn gửi Quốc hội trong năm 2023, Bộ Công thương từng thừa nhận "vẫn tồn tại bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau". Do có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng điện, nên giá bán cho các nhóm khách hàng không phản ánh kịp thời chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới mục tiêu sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.

Ngoài ra, theo Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, các quy định về giá điện lâu nay đều giao hết cho Bộ Công thương xây dựng, thẩm định (quy định tại luật Điện lực 2004). Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện giá điện chưa hiệu quả, chưa minh bạch hết các thành phần cấu thành giá. Trong khi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo công bằng, minh bạch của thị trường điện cạnh tranh.

Do đó, Ủy ban này đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm công khai minh bạch các loại giá (truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện). Cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát quy định về thẩm quyền, hình thức và phương pháp định giá điện, dịch vụ về điện để thống nhất với luật Giá.

Cùng với đó, cơ quan soạn thảo được đề nghị nghiên cứu cơ chế để cân bằng, bình ổn giá điện thông qua quỹ hoặc tài khoản cân bằng giá mặt hàng này; đề xuất Chính phủ sẽ là cơ quan có thẩm quyền trong ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng; bổ sung quy định về xây dựng khung giá phát của đơn vị phát điện, giá hợp đồng mua bán điện; giá tạm giữa bên bán và mua điện...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.