Trong phiên họp chiều hôm qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình dự luật trên.
Theo ban soạn thảo, việc cần thiết xây dựng luật xuất phát từ thực trạng đo lường ở nước ta đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, thể hiện rõ qua độ chính xác, phạm vi đo của chuẩn quốc gia và thiết bị sao truyền còn hạn chế; chuẩn đo lường và các phương tiện thiết bị còn mang tính chắp vá; hệ thống kiểm định phương tiện đo hiện nay mới chỉ đáp ứng từ 60 - 70% nhu cầu kiểm định (khoảng 28 triệu phương tiện đo các loại), nghĩa là vẫn còn tới 30 - 40% số phương tiện đo thuộc Danh mục phải kiểm định chưa được kiểm định theo quy định…
Bên cạnh đó, hoạt động thanh, kiểm tra về đo lường chưa đáp ứng được yêu cầu. Các hành vi vi phạm quy định về đo lường với việc thực hiện phép đo (trong kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch… và trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn) ngày càng tinh vi, phức tạp.
Từ những bất cập trên, dự luật đưa ra nhiều quy định "siết chặt" từ công tác thanh kiểm tra đến chuẩn đo lường, phương tiện đo và đặc biệt là chế tài xử lý. Ngoài hình thức xử lý vi phạm hành chính hành vi đo lường bằng việc phạt tối đa 5 lần số tiền thu được do vi phạm mà có, tịch thu tiền thu lợi do vi phạm, tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị truy cứu hình sự.
Góp ý cho dự luật tại phiên họp hôm qua, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thế Vượng nói: "Cử tri rất bất bình trước tình trạng gian lận bán xăng phổ biến. Thế nhưng khi đoàn giám sát mời đại diện Bộ Công thương, Tổng cục Đo lường chất lượng của Bộ Khoa học - Công nghệ để hỏi xem có giải quyết được không thì đại diện cả hai bộ đều trả lời rất khó, vì thiết bị để đong gian xăng dầu cho khách hàng được trang bị rất tinh vi, đoàn thanh tra đến người ta ngắt thiết bị điện là thôi". Ông Vượng cho biết, đại diện hai bộ này cũng lý giải muốn phát hiện gian lận phải đi kiểm tra nhưng lại thiếu nhân lực, thiếu tiền… "Như vậy là chúng ta bất lực trước kiến nghị của người dân", vị Trưởng ban Dân nguyện kết luận và từ dẫn chứng này, ông đề nghị phải giải quyết được vấn đề trên khi xây dựng Luật Đo lường.
Mới đây nhất, dư luận cũng không khỏi bất bình khi chuyện gian lận tuổi vàng được phanh phui với tỷ lệ gian lận rất lớn, mà vẫn chưa có "thuốc" trị. Thế nên, việc cần thiết có Luật Đo lường với mục tiêu "đầu tư xây dựng hệ thống chuẩn đo lường quốc gia để bảo đảm tính thống nhất và chính xác của đo lường trên phạm vi cả nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế" là điều hết sức cần thiết và cấp thiết.
Hy vọng với sự ra đời của dự luật này, người dân sẽ không còn rơi vào "mê hồn trận" vàng - thau lẫn lộn phổ biến hiện nay đối với nhiều mặt hàng.
Bảo Cầm
Bình luận (0)