Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, ĐH Khoa học Huế, thời Lê và thời Nguyễn là hai triều đại sử dụng Luật hồi tỵ rất nghiêm ngặt. “Có thể hiểu tinh thần của hồi tỵ chính là việc ngăn chặn để không kéo bè kéo đảng, nâng đỡ người thân quen. Do đó luật không cho phép một người được làm quan trên quê quán của mình. Nó cũng không cho phép những người thân như anh em, cha con, thầy trò, người cùng quê… được làm quan cùng một chỗ. Nó cũng được áp dụng chặt chẽ trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, kiểu như con thi thì cha không được làm, không được tổ chức thi cùng một nơi”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, việc tham nhũng thời nào cũng có, vì thế vấn đề là làm sao có chính sách để hạn chế tham nhũng hiệu quả. Từ góc độ đó, ông Tiến đánh giá Luật hồi tỵ là luật hiểu con người rất rõ. “Luật không chủ quan mà bỏ qua phần người của con người, rất hiểu tâm lý muốn lạm quyền, muốn tư lợi của con người. Do đó, người xưa đã tránh ngay từ đầu việc lạm quyền, tham nhũng quyền lực bằng giải pháp hạn chế cục bộ địa phương, gia đình chủ nghĩa như vậy”, ông Tiến chia sẻ.
TS Bùi Huy Khiên, Học viện Hành chính quốc gia, cho biết vua Lê Thánh Tông thực hiện chế độ hồi tỵ ngay từ việc cắt đặt xã quan ở các làng xã, nơi các quan hệ xã hội bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ gia đình, bà con, họ hàng. Năm 1488, nhà vua xuống dụ quy định hễ là anh em ruột, anh em con chú, con bác, bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tội bè phái hùa nhau.
Cũng theo ông Khiên, tới thời Nguyễn, vua Minh Mạng còn mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới về hồi tỵ. Chẳng hạn, quan lại ở các bộ, trong kinh và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác. Vua Minh Mạng cũng quy định quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện, ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc. Quan lại cũng không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ…
Ngoài những quy định về hồi tỵ như trên, vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng còn đề ra những quy định rất cụ thể về các hình thức xử phạt nếu quan lại nào vi phạm các quy định về Luật hồi tỵ. Trong chỉ dụ năm 1488, vua Lê Thánh Tông nhấn mạnh: “Nếu ai man trá sẽ bị nghiêm trị”.
“Đưa người thân, người quen làm quan chính là tham nhũng quyền lực. Việc thực hiện đúng Luật hồi tỵ cũng là một trong những nguyên nhân giúp thời nhà Lê và Nguyễn trở thành hai triều đại mà tính thống nhất về mặt nhà nước, pháp quyền được thực thi cao nhất”, ông Tiến đánh giá.
Bình luận (0)