Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

'Luật lấy ý kiến không ai nói gì, đùng một cái lại bảo là vướng'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/06/2023 15:26 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khâu nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách khi xây dựng luật rất quan trọng, tránh tình trạng khi luật ban hành rồi mới "đùng một cái" bảo là vướng mắc, chồng chéo.

Sáng 10.6, khi thảo luận tại tổ về dự án luật Viễn thông sửa đổi và luật Căn cước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập vấn đề hệ thống pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, nhiều vướng mắc mà nhiều đại biểu nêu khi thảo luận tại kỳ họp lần này.

"Ta cứ nói vướng nhưng vướng cái gì thì không chỉ ra"

"Ta có tình trạng khi đưa ra lấy ý kiến không ai nói gì, đối tượng lấy ý kiến không ai nói gì, đến khi luật ban hành đùng cái lại bảo là vướng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, và cho rằng, đây là vấn đề trách nhiệm và cách thức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của luật.

'Luật lấy ý kiến không ai nói gì, đùng một cái lại bảo là vướng' - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến thảo luận tại tổ sáng 10.6

PHẠM THẮNG

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tiễn thay đổi liên tục, do đó, pháp luật luôn đi sau và bao giờ cũng có khoảng cách. Tuy nhiên, Nhà nước pháp quyền thì trước hết phải theo luật đã rồi vướng mắc ở đâu thì sửa luật.

"Khâu nghiên cứu, đánh giá tác động của luật rất quan trọng. Luật soạn thảo công phu thế này còn bị; nghị định, thông tư thì rất dễ vướng", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ đưa vào nghị quyết kỳ họp lần này yêu cầu các cơ quan, kể cả Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật xem chồng chéo, vướng mắc cụ thể chỗ nào, cụ thể là cái gì chứ không nói chung chung.

"Ta cứ nói vướng nhưng mà vướng cái gì thì không chỉ ra", Chủ tịch Quốc hội nói, và cho biết, ngay từ kỳ họp bất thường thứ nhất, khi các địa phương báo cáo lên là hàng trăm luật vướng mắc nhưng khi rà soát lại thì chỉ có mười mấy việc thôi. "Làm gì hệ thống luật mình lại tệ thế này. Không có chồng chéo, thế nọ thế kia đâu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Luật lấy ý kiến không ai nói gì, đùng một cái lại bảo là vướng

"Phải nói mình ngồi đây làm sao biết hết mọi cái được"

Vấn đề thiết kế các chính sách khi xây dựng luật cũng là mối bận tâm của Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Đảng Lê Hoài Trung (đoàn Thừa Thiên - Huế).

'Luật lấy ý kiến không ai nói gì, đùng một cái lại bảo là vướng' - Ảnh 2.

Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Đảng Lê Hoài Trung nêu ý kiến thảo luận tại tổ

PHẠM THẮNG

Theo ông Trung, có nhiều đối tượng có lợi ích, có điều kiện nghiên cứu, chịu tác động của các chính sách nhưng lại không được tham gia góp ý. Ông cho hay, vừa qua "một số người làm bất động sản lớn" chia sẻ với ông rằng: "Tôi nói thật với anh nếu mà thông qua cái luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở thì nó kéo lùi lại vài chục năm".

"Tôi bảo đấy là điều khoản nào? Ông ấy nói điều khoản xong, tôi bảo các đồng chí phải đóng góp ý kiến chứ. Ông ấy nói không, em đóng góp ý kiến cho đoàn đại biểu Quốc hội rồi, các anh ấy cũng nói rồi nhưng mà tại vì áp lực ở trên ghê quá. Tôi bảo làm gì có áp lực ở trên nào", ông Trung chia sẻ.

Từ câu chuyện này, ông Trung nhìn nhận, đúng là có vấn đề mình không có được ý kiến đầy đủ của các đối tượng chịu tác động của chính sách.

"Phải nói mình ngồi đây nhưng làm sao mình biết hết mọi cái được. Nó dẫn đến vấn đề không ổn định về mặt pháp luật, sau một thời gian luật ban hành là có ý kiến. Thứ nữa là con người nói chung chứ không phải chỉ Việt Nam mình, tức là phán thì dễ nhưng làm khó hơn tí, đại khái là thế. Thế thành ra luật của mình suốt ngày kêu là luật thiếu, rồi vướng mắc thì cũng có yếu tố đó", ông Trung khái quát.

Từ đó, ông Trung đề nghị các cơ quan Quốc hội, Chính phủ ngoài đăng tải dự thảo luật lên cổng thông tin điện tử theo quy định thì có thể tổ chức mời những người có liên quan trực tiếp đến để đóng góp ý kiến, như luật Nhà ở mời doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì sẽ hiệu quả hơn.

"Luật ban hành xong đi làm đề tài, dự án mãi không vào cuộc sống"

Cũng nêu ý kiến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cho rằng một luật được thiết kế để điều chỉnh hành vi xã hội dựa trên sự điều chỉnh với 3 nhóm: một là chủ thể quản lý, kể cả Nhà nước; thứ 2 là đối tượng chịu sự tác động và thứ 3 là các hiện tượng tác động vào cả đối tượng và chủ thể quản lý.

'Luật lấy ý kiến không ai nói gì, đùng một cái lại bảo là vướng' - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) nêu ý kiến thảo luận tại tổ sáng 10.6

PHẠM THẮNG

"Nếu chúng ta không làm rõ được 3 nhóm vấn đề này thì tôi nghĩ rằng cấu trúc của luật vẫn cứ nghiêng về lợi ích của những cơ quan soạn luật", ông Hồi nói, và cho rằng, điều này đang rất phổ biến trong công tác xây dựng luật hiện này.

"Bộ nào làm thì lúc phần thực hiện bộ ấy rất nhiều đề tài. Cho nên, luật ban hành xong thì đi làm đề tài, dự án mãi không vào được cuộc sống. Mà Bộ Tài chính căn cứ vào luật thì cứ phải cho tiền, vì làm theo luật thôi, luật cho thì tôi phải làm", ông Hồi nêu.

Dẫn chứng một số luật trong lĩnh vực thủy sản, TN-MT mà mình có cơ hội tham gia, ông Hồi nói, có luật ban hành 10 năm rồi nhưng khi hỏi đối tượng chịu tác động thì họ cũng không biết có luật ấy.

"Mình làm xong đề tài luật vẫn chưa vào cuộc sống được. Mình điều chỉnh hành vi có lợi cho chủ thể quản lý mà những đối tượng kia thì mình lại chỉ khống chế về mặt an ninh, an toàn", ông Hồi nói, và kiến nghị khi xây dựng luật cần cân đối các nội dung lớn như vậy thì luật mới có thể đi vào cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.