Luật pháp biến dạng

17/01/2012 00:59 GMT+7

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện quy định của pháp luật trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, công bố cuối tuần trước, cho rằng nhiều địa phương ban hành văn bản có nội dung trái với quy định của các cơ quan nhà nước cấp trên, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, xây dựng…

Còn theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 63 tỉnh, thành phố tự rà soát 26.000 văn bản thì phát hiện hơn 3.100 văn bản sai. Bộ Tư pháp kiểm tra hơn 35.800 văn bản tiếp nhận thì phát hiện hơn 4.300 sai luật. Có nhiều dạng thức sai, sai về thể thức văn bản, kỹ thuật trình bày, sai về thẩm quyền nhưng có lẽ lỗi nặng nhất là sai về nội dung.

Bản báo cáo kể trên không chỉ ra bao nhiêu % các văn bản sai ấy liên quan đến nội dung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, nhưng có thể khẳng định con số ấy không nhỏ. Dư luận từng ồn ào xung quanh quy định trái Hiến pháp như mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy, ngực nhỏ không được lái xe… khiến cơ quan chức năng phải hủy bỏ hoặc sửa đổi. Nhưng hiện tại, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn rất nhiều văn bản dạng này đang tồn tại, đặc biệt ở các địa phương. Gần đây nhất là quyết định “cấm cửa” dân nhập cư của TP.Đà Nẵng cũng đang vấp phải sự phản ứng của các nhà lập pháp.

Luật Đất đai và Nghị định 88 không quy định diện tích tối thiểu để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng người dân thủ đô lại đang phải thực hiện Quyết định 58 của UBND TP.Hà Nội, trong đó hạn chế quyền tách thửa của người sử dụng đất. Hà Nội không cấp “sổ đỏ” cho những mảnh đất có diện tích nhỏ hơn 30m2. Hà Nội cũng quy định, để được cấp phép xây dựng, người sử dụng đất phải có “sổ đỏ”, trong khi trình tự cấp phép xây dựng quy định tại điều 63 luật Xây dựng chỉ yêu cầu có 1 trong 8 loại giấy tờ về quyền sử dụng đất là đủ. Hay như Quyết định 54 của UBND TP.HCM cũng “đẻ” thêm Biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong thủ tục về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, trong khi luật Đất đai và các nghị định về đầu tư xây dựng hoàn toàn không có loại giấy tờ này.

Điều đáng nói là, cũng theo Bộ Tư pháp, tỷ lệ phát hiện các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật những năm gần đây không giảm, nếu năm 2010 là 19,24%, thì năm 2011 tăng lên 29,31%.

Một văn bản sai đã có thể để lại hậu quả xấu, đằng này có tới vài ngàn văn bản sai là điều khó chấp nhận. Những văn bản trái pháp luật này đang hằng ngày, hằng giờ sinh ra những hậu chính sách, tác động nhiều đối với xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân, làm giảm lòng tin của người dân đối với pháp luật và bộ máy quản lý của nhà nước.

Tháng 4.2010, Chính phủ ban hành nghị định, trong đó xác định cán bộ công chức soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức; Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng cho tới nay, hầu như chưa hề thấy một viên chức, công chức nào bị xử lý vì ban hành văn bản “trái pháp luật”. Và có lẽ, đấy mới là điều đáng suy ngẫm.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.