Luật pháp có vị thân?

13/12/2013 02:10 GMT+7

Luật pháp bất vị thân" được coi như một trong những nguyên lý cơ bản để xây dựng nhà nước pháp quyền. Nguyên lý ấy được quán triệt nghiêm minh trong thực thi pháp luật để mang lại công bằng cho mọi người, có vậy mới bảo đảm nước nhà được bền vững.

"Luật pháp bất vị thân" được coi như một trong những nguyên lý cơ bản để xây dựng nhà nước pháp quyền. Nguyên lý ấy được quán triệt nghiêm minh trong thực thi pháp luật để mang lại công bằng cho mọi người, có vậy mới bảo đảm nước nhà được bền vững.

>> Phớt lờ' luật giao thông tại đám cưới con trai giám đốc công an tỉnh: Phải xử lý nghiêm
>> Phớt lờ' luật giao thông tại đám cưới con trai giám đốc công an tỉnh
>> Khởi tố phó giám đốc Sở uống rượu gây tai nạn chết người

Từ trước công lịch, nhiều nhà pháp trị của nước Trung Hoa đã lấy nguyên lý này làm căn cốt cho phép trị nước của mình. Tôn Vũ Tử luyện đội nữ binh gồm toàn cung nữ làm ví dụ về binh pháp cho vua xem đã chém đầu 2 vị đội trưởng là ái nữ của vua vì coi thường quân lệnh mà vua không dám nói gì. Chúa Trịnh Sâm ở nước ta đã để cho Đặng Mộng Lân là em của ái phi Đặng Thị Huệ lộng hành, coi thường pháp luật, cướp bóc giữa ban ngày… đã làm cho dân tình chán ngán, đất nước suy vong.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi) như một khung pháp luật quan trọng nhất, ai cũng phải làm theo. Khoản 1 điều 2 quy định "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân". Điều 16 quy định: (1) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; (2) Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây cũng là cách thể hiện cụ thể của tinh thần xây dựng nước ta thành một nhà nước pháp quyền mà mọi người đều bình đẳng và công bằng trước pháp luật, một cách cụ thể hóa của nguyên lý "Luật pháp bất vị thân". 

Trên thực tế, các cậu ấm, cô chiêu nhà mình vẫn cứ muốn pháp luật phải vị thân bố mình, vị thân mình. Dư luận luôn nhớ câu chuyện một cậu ấm múa kiếm tại sân bay Đà Nẵng dạo nào rồi phải thuyết minh là "kiếm không được gọi là kiếm". Kể ra thì còn rất nhiều chuyện ly kỳ loại này...

Trong vài ngày gần đây, báo chí lại nói về chuyện đám cưới con trai của Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước với hơn 1.800 thực khách mà xe ô tô với các loại màu biển số đã bất chấp pháp luật giao thông làm huyên náo cả một vùng. Tất nhiên sai thì phải xử lý theo quy định của Chính phủ khi mong muốn pháp luật bất vị thân, nhưng rồi người dân nghèo sẽ nghĩ gì khi họ đang phải chạy ăn từng bữa, nhất là vào lúc kinh tế đang khó khăn như hiện nay.

Chuyện Viện KSND TP.Đà Lạt gửi thông báo về việc đình chỉ vụ án điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây chết người do uống nhiều bia và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự một vị nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cũng khiến người dân nghi ngại. Lý do miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Dương là vì ông đã bồi thường hơn 1 tỉ đồng cho các nạn nhân nên bị hại xin bãi nại. Vậy ra ai cứ có nhiều tiền là ung dung rượu say phóng xe thả phanh. Thế thì dân sợ lắm.

Giàu có chỉ là một tiêu chí của một đất nước phát triển. Con người cần tới trước hết là sự bình yên, không phải sợ hãi, được công bằng, được bình đẳng và được yêu thương. Chỉ có "Luật pháp bất vị thân" mới mang lại được một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh cho mọi người.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.