Luật Phòng, chống mua bán người: 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm

16/12/2024 16:48 GMT+7

Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 quy định 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có nhiều quy định mới so với hiện hành.

Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025. Luật này quy định 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nhiều quy định mới so với hiện hành, như cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai...

Luật Phòng, chống mua bán người: 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng giải cứu 36 người Việt Nam từ Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào) về nước

ẢNH: TÂN KỲ

Một trong các hành vi bị nghiêm cấm là mua bán người. Theo đó, mua bán người được giải thích là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là mua bán người ngay cả khi không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

Hành vi bị cấm tiếp theo là thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai. Quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề nghị bổ sung nghiêm cấm "mua bán bào thai". Nhưng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong một số trường hợp quyền dân sự chỉ có thể được xác lập sau khi một người được sinh ra và còn sống.

Còn theo quy định của bộ luật hình sự, việc phạm tội đối với phụ nữ mang thai thì chỉ bị coi là tình tiết tăng nặng mà không bị coi là phạm tội đối với nhiều người. Do đó, về mặt pháp lý chỉ được coi là người khi được sinh ra và còn sống, đồng nghĩa việc mua bán bào thai không thuộc khái niệm mua bán người.

Nghiêm cấm đe dọa, trả thù nạn nhân

Những hành vi khác bị nghiêm cấm khác tại luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 gồm:

- Cưỡng bức, môi giới hoặc xúi giục người khác thực hiện hành vi 2 nhóm hành vi đã nêu ở trên.

- Đe dọa, trả thù nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ, người làm chứng, người tố giác, báo tin, tố cáo, khai báo hoặc người ngăn chặn hành vi vi phạm về mua bán người.

- Dung túng, bao che, tiếp tay, cản trở, can thiệp, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người.

- Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Cản trở việc giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

- Cản trở việc phát hiện, tố giác, báo tin, tố cáo, khai báo, xử lý hành vi quy định tại điều này.

- Xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

- Tiết lộ thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Giả mạo là nạn nhân.

- Hành vi khác vi phạm quy định của luật này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.