'Luật rừng' của bảo vệ bệnh viện: Đừng độc ác với bệnh nhân thêm nữa!

12/07/2016 09:05 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều người khi đọc bài viết “Luật rừng” của bảo vệ bệnh viện và Đừng để bệnh viện trở thành nơi đáng sợ trên Báo Thanh Niên số ra ngày 11.7.

Mất nhân tính
Người Việt có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”, với người đã khuất, dù họ có thế nào thì vẫn mở lòng ra để họ được yên nghỉ. Ấy là nói chung, còn với trẻ em thì càng phải dành nhiều sự quan tâm, giúp đỡ hơn. Vậy mà những “thế lực ngầm” ở Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư lại nhẫn tâm chặn xe cứu thương, gây bao phẫn nộ trong dư luận. Đó là hành vi rất mất nhân tính, ngược lại những quan niệm sống cốt lõi của người Việt.
Phạm Thanh Thương (Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Khuyết tật về nhận thức
Rõ ràng, sự khuyết tật về nhận thức hiện nay là quá nhiều, quá phổ biến. Vào BV mà không nhét tiền cho hộ lý, bác sĩ... là chuyện không còn bình thường. Đi khám bệnh mà không nhờ “cò” thì khó mà khám nhanh được. Có những BV, “cò” hoành hành như chốn không người. “Cò” xem thường, thậm chí thách đố, dọa đánh cả những bệnh nhân không thông qua “cò”, hoặc khi họ phản đối tình trạng “cò” chen lấn, lấy số thứ tự trước…
Đào Văn Phục (P.3, Q.5, TP.HCM)
Độc quyền, độc đoán, độc ác
Tình trạng bảo vệ quyết định cho taxi hãng nào, xe cấp cứu nào được vào ra BV trở nên phổ biến ở nhiều BV công. Báo chí cũng đã phản ánh nhiều nhưng nó vẫn tồn tại, gây bao đau đớn, bức xúc cho bệnh nhân và gia đình. Rõ ràng, có luật ngầm, luật rừng ở các BV trong câu chuyện này. Tôi tự hỏi, nếu không có sự bao che của lãnh đạo BV thì liệu bảo vệ có dám lộng hành một cách độc ác như vậy hay không?.
Vũ Thị Mỹ Phượng (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Bệnh viện phải là nơi ngập tràn tình thương
BV là nơi chẳng đặng đừng người ta mới đến. Lẽ ra, đó phải là nơi tràn đầy yêu thương, lòng nhân ái. Vậy mà, ngày nay, mỗi khi đến BV công, ai cũng nơm nớp lo sợ. Sợ bị móc túi khi bệnh nhân quá đông đúc, sợ không làm hài lòng y, bác sĩ thì người nhà của mình hay chính bản thân mình không được khám chữa bệnh một cách chu đáo. Đưa phong bì rồi cũng sợ, sợ người nhận có hài lòng không, sợ cả những bảo vệ mặt mày lăm lăm, la hét, chửi bới người bệnh không thương tiếc, đến cả người giữ xe máy trong BV cũng la hét, thô bạo. Bộ Y tế phải làm thế nào đó chứ để vậy chết dân.
Bùi Thanh Trị (TP.Tân An, Long An)
Có biện pháp phù hợp
Người nhà bệnh nhân có quyền lựa chọn xe nào để đưa bệnh nhân đến BV và từ BV trở về nhà. Rõ ràng, nếu bảo vệ cho phép xe chở bệnh nhân ra vào thoải mái trong BV thì cũng không ổn bởi dễ xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh. Nhưng nếu chỉ độc quyền cho hãng xe, hãng taxi nào đó lại sẽ gây khổ cho bệnh nhân bởi giá cả cắt cổ. Nên chăng cần có dịch vụ của BV đưa bệnh nhân ra đến cổng để từ đó bệnh nhân có thể chọn được xe ưng ý của mình để trở về nhà. Riêng xe chở bệnh nhân đến BV thì buộc phải mở rộng cửa để đón.
Đào Hoàng Hùng (xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè, TP.HCM)
       
Bây giờ đến BV phải có tiền bởi có quá nhiều thứ tốn kém. Bao nhiêu kẻ lợi dụng người bệnh để trục lợi, trong đó có những kẻ bảo kê dịch vụ vận chuyển, cò khám bệnh... Người bệnh đã khổ càng khổ hơn. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo BV và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của BV.
Huỳnh Minh Đạt (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
       
Bộ Y tế cần ban hành quy định về việc đưa đón bệnh nhân ở các BV. BV nào để xảy ra tình trạng bảo vệ kiêm bảo kê dịch vụ đưa đón, nếu có đủ chứng cứ thì giám đốc BV đó phải bị cách chức ngay lập tức. Nếu làm được điều này thì tôi tin rằng sẽ chẳng có BV nào dám để xảy ra tình trạng bảo vệ sử dụng “luật rừng”.  
Trần Hữu Thủy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.