Luật sư bào chữa được tham gia từ giai đoạn nào của vụ án?

Phan Thương
Phan Thương
23/10/2022 07:18 GMT+7

Theo diễn biến vụ việc, sau 7 ngày bị khởi tố, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã có luật sư bào chữa và luật sư cũng tham gia buổi hỏi cung của cơ quan tiến hành tố tụng với bị can này.

Được tạo điều kiện theo luật định

Trước đó, ngày 7.10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với các bị can liên quan.

Cơ quan chức năng khám xét nơi ở của bà Trương Mỹ Lan (ảnh nhỏ) vào rạng sáng 7.10

Đàm Huy - TL

Các bị can của vụ án, gồm: Trương Mỹ Lan (66 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); Trương Huệ Vân (34 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor); Nguyễn Phương Hồng (38 tuổi, trợ lý Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Hồ Bửu Phương (50 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Các bị can này đều bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 13.10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã cấp giấy thông báo đăng ký bào chữa cho luật sư (LS) Phan Trung Hoài và LS Phan Minh Hoàng (Đoàn LS TP.HCM) để thực hiện quyền bào chữa cho bị can Trương Mỹ Lan.

LS Phan Trung Hoài cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để các LS bảo vệ quyền lợi cho bà Trương Mỹ Lan; và sáng 14.10, LS đã tham gia buổi hỏi cung đầu tiên của cơ quan tiến hành tố tụng với bị can này.

Việc LS Phan Trung Hoài và Phan Minh Hoàng được cấp giấy thông báo đăng ký bào chữa sau khi bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, theo nhiều LS, đây là quy định được nêu trong bộ luật Tố tụng hình sự. Nhưng các LS cũng cho rằng việc được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy bào chữa, không phải trường hợp nào cũng đúng thời hạn theo luật định.

Luật sư đã tham gia buổi hỏi cung đầu tiên bà Trương Mỹ Lan

Quy định cấp giấy bào chữa trong thời hạn 24 giờ đăng ký

LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho hay theo điều 74 bộ luật Tố tụng hình sự, người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

“Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”, LS Quynh dẫn chiếu quy định, và cho biết thêm căn cứ khoản 4, điều 78 bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo luật định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy nếu không thuộc trường hợp từ chối đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

“Có những vụ việc khi đương sự bị cơ quan điều tra mời làm việc thì người nhà đã yêu cầu LS tham gia làm thủ tục đăng ký bảo vệ quyền lợi, nhưng để được cơ quan điều tra cấp thông báo đăng ký thủ tục bảo vệ quyền lợi khi bị mời làm việc đúng thời hạn thì rất khó”, LS Quynh nhấn mạnh, và cho rằng để bảo vệ tốt quyền lợi cho người bị mời làm việc, người bị tạm giữ thì cần cải cách chuẩn hóa thủ tục này để đảm bảo quyền lợi, khách quan, công bằng và đúng pháp luật tố tụng.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan kinh doanh ra sao?

Luật sư tham gia ngay từ đầu rất quan trọng

Tương tự, LS Võ Đan Mạch (Đoàn LS TP.HCM) chia sẻ trường hợp LS được cấp giấy bào chữa trong thời hạn 24 giờ theo luật định cũng có nhưng khá hiếm. Khi hết thời hạn 24 giờ, nhưng LS chưa được thông báo cấp giấy bào chữa, thì chỉ phát sinh quyền khiếu nại của LS đối với cơ quan tiến hành tố tụng về việc cấp trễ theo luật và không có chế tài nào về việc cấp trễ.

“Thực tế, nếu bị can yêu cầu LS thì việc cấp giấy bào chữa sẽ nhanh hơn. Còn trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của bị can yêu cầu LS, thì thủ tục sẽ lâu hơn. Bởi người tiến hành tố tụng sẽ phải hỏi bị can có đồng ý hay không, từ đó mới xem xét theo yêu cầu”, LS Mạch nhận xét.

LS Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cũng đánh giá việc cơ quan điều tra cấp giấy bào chữa cho LS đúng thời hạn, để LS tham gia vào giai đoạn điều tra, được tiếp cận thân chủ, có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động điều tra.

“Việc LS tham gia ở giai đoạn khởi tố, theo quy định pháp luật phần nào đảm tính khách quan của việc điều tra, hạn chế được các vi phạm pháp luật có thể xảy ra như: ép cung, mớm cung, bức cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án…”, LS Hùng nêu.

Quyền của người bào chữa

a) Gặp, hỏi người bị buộc tội;

b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;

c) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của bộ luật này;

d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của bộ luật này;

đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;

e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;

g) Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

….

Điều 73 bộ luật Tố tụng hình sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.