Thủ tướng đánh giá cao sự phát triển về số lượng luật sư tại Việt Nam. Từ 2001 đến nay, số lượng luật sư tăng 250%, đạt 5.800 luật sư. Tuy nhiên, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến chất lượng luật sư: "Khi hội nhập, ta phải bảo vệ cho được lợi ích của quốc gia. Để làm được điều đó đòi hỏi đội ngũ luật sư phải có trình độ, bản lĩnh và phải thông thạo ngoại ngữ".
Luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu đặt câu hỏi: "Giới luật sư gồm nhiều người có kiến thức, kinh nghiệm và cọ xát thực tế rất nhiều. Nếu trong quá trình soạn thảo có sự đóng góp của giới luật sư sẽ góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật. Xin hỏi chính phủ có chính sách gì để sử dụng chất xám của giới luật sư vào quá trình này?".
Thủ tướng đáp: "Luật sư tham gia vào việc xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế là rất hợp lý. Hiện nay ta thiếu cơ chế để phối hợp tổ chức việc này. Việc xây dựng hệ thống pháp luật hiện nay, chất lượng chưa đạt yêu cầu, có những điều luật vừa đưa ra đã phải sửa vì chưa phù hợp, có những điều đưa ra trái với luật này luật khác, thậm chí chưa đáp ứng được những điều rất cơ bản. Tôi rất đồng tình với việc làm sao để dự án luật được soạn thảo công phu, có sự tham gia của nhiều giới, nhất là giới luật sư. Việc này tôi đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn Luật sư để xây dựng quy chế cụ thể".
Luật sư Trần Mỹ Thoa, đoàn TP.HCM, hỏi: "Nhiều luật sư tham gia vào quá trình điều tra các vụ án hình sự nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị can - thân chủ, nhưng nhiều trường hợp luật sư bị làm khó, bị từ chối cho gặp thân chủ hoặc bị hạn chế thời gian gặp. Chính phủ đã và sẽ có chính sách gì để cải thiện việc này?".
Thủ tướng trả lời: "Từ khi làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tôi cũng nghe được nhiều ý kiến phản ánh tình trạng này. Làm sao để luật sư được tham gia ngay từ quá trình điều tra, từ lúc khởi tố bị can đến khi tranh tụng tại tòa, có như vậy luật sư có điều kiện bảo vệ công lý. Luật sư cũng là người giám sát để cơ quan tố tụng phải làm đúng quy định. Pháp luật đã quy định rồi, nhưng trong thực tế còn một số vướng mắc, khó khăn. Theo tôi, về cơ bản chúng ta phải xem lại hệ thống pháp luật, đặc biệt trong sửa đổi luật tố tụng hình sự, việc luật sư được tham gia, tham gia như thế nào, đặc biệt là ngay trong quá trình điều tra... những điều này phải được nêu rõ trong luật sửa đổi, các anh chị luật sư cũng cần tham gia vào quá trình sửa đổi luật này. Trong khi chưa sửa đổi, ta cần làm gì? Tôi đề nghị Liên đoàn Luật sư nên phối hợp với Bộ Công an, xây dựng quy chế để làm sao luật sư có thể tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân".
Trong hơn 90 phút tham gia tọa đàm, Thủ tướng đã trả lời gần chục câu hỏi, là các vấn đề chung mà hàng trăm luật sư cả nước gửi về ban tổ chức để trao đổi với người đứng đầu chính phủ. Kết thúc buổi tọa đàm, Thủ tướng khẳng định: "Luật sư có vai trò rất quan trọng trong xã hội. Đất nước đang chuyển đổi mạnh sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, vai trò của liên đoàn, của từng luật sư càng quan trọng hơn. Tôi rất mong các luật sư nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Vai trò và vị trí của các luật sư sẽ được khẳng định trong lòng nhân dân".
Káp Thành Long
Bình luận (0)