Luật sư nhân quyền Arnon Nampa, 39 tuổi, từng kêu gọi tranh luận công khai về vai trò của quốc vương Thái Lan trong phong trào biểu tình hồi năm 2020.
"Chúng tôi đang cố gắng để anh ấy được tại ngoại", Reuters dẫn lời luật sư Krisadang Nutcharus, người bào chữa cho ông Arnon, phát biểu sau khi tòa án Thái Lan đưa ra phán quyết hôm 26.9. Vị luật sư cũng cho biết đội ngũ của ông sẽ nộp đơn kháng án và nếu cần thiết sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao Thái Lan.
Thái Lan là quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến, trong đó hoàng gia dù chủ yếu giữ vai trò nghi lễ vẫn rất được kính trọng trong đời sống xã hội. Điều 112 của bộ luật hình sự Thái Lan, hay còn gọi là luật "lese-majeste", nghiêm cấm các hành vi chỉ trích hoàng gia nước này và những người vi phạm có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 15 năm tù.
Một bài phát biểu của ông Arnon trong phong trào biểu tình ở Bangkok năm 2020 bị cho là vi phạm luật "lese-majeste", dẫn đến bản án 4 năm tù. Đây chỉ là một trong 14 vụ án mà ông bị truy tố theo luật này.
Ông Arnon đã được tại ngoại từ đầu năm ngoái sau khi bị giam giữ một thời gian dài, và không bị đưa vào tù ngay lập tức hôm 26.9. Thay vào đó, ông ở lại tòa án để chờ xem xét yêu cầu tại ngoại. Ông cho rằng mình không làm gì sai trái.
Kêu gọi thay đổi luật "lese-majeste" là trọng tâm của một cương lĩnh táo bạo góp phần giúp đảng Tiến lên (MFP) theo đường lối cấp tiến giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện Thái Lan hồi tháng 5. Song đảng này đã thất bại trong việc thành lập chính phủ vì sự ngăn cản của các nghị sĩ thuộc phe bảo hoàng.
Bình luận (0)