Nhiều khoản trợ cấp không phải chịu thuế
Luật quy định, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng (mức cũ là 4 triệu đồng và 1,6 triệu đồng). Chiếu theo quy định này, một cá nhân không có người phụ thuộc, thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế. Tương tự, nếu có 1 người phụ thuộc thì thu nhập trên 12,6 triệu đồng và 2 người phụ thuộc trên 16,2 triệu đồng/tháng mới phải nộp. Mức giảm trừ gia cảnh theo luật là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.
|
Vấn đề gây tranh luận thời gian qua về tốc độ trượt giá tiêu dùng, lạm phát khi tăng cao gây khó khăn, gánh nặng cho người nộp thuế cũng được giải quyết, khi luật mới quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, phù hợp với biến động của giá tiêu dùng để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Bên cạnh đó, nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp cũng không tính vào thu nhập chịu thuế như các khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ. Quy định này cũng được làm rõ hơn ở phần định nghĩa về thu nhập tính thuế. Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công theo luật cũ là tổng thu nhập chịu thuế trừ các khoản đóng góp gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Nay luật mới trừ đi thêm hai khoản thu nhập quan trọng gồm bảo hiểm thất nghiệp và quỹ hưu trí tự nguyện.
Giữ nguyên 7 bậc thuế
Trước đó, nhiều ý kiến ĐB đề nghị luật nên bắt đầu có hiệu lực từ 1.1.2013 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế. Tuy nhiên theo giải trình của Ủy ban TVQH, trong bối cảnh khai thác nguồn thu còn khó khăn, nếu áp dụng luật từ 1.1.2013 sẽ giảm thu ngân sách thêm khoảng 6.000 tỉ đồng so với phương án áp dụng luật từ 1.7.2013. Mặt khác, QH đã thông qua dự toán ngân sách năm 2013, trong trường hợp giảm thu thêm sẽ không có nguồn bù đắp.
Lý do không thay đổi biểu thuế suất, vẫn giữ nguyên như 7 bậc hiện nay theo Ủy ban TVQH, nếu chia nhỏ biểu thuế suất có thể dẫn đến thiệt thòi cho một số người nộp thuế. Ngoài ra, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh đã làm giảm thu ngân sách khá lớn. Nếu nay tiếp tục giãn các bậc thuế thì sẽ tiếp tục giảm thu và gây khó khăn cho cân đối.
Đối với kiến nghị bỏ mức thuế suất 35%, chỉ giữ mức thuế suất cao nhất là 30%, Ủy ban TVQH cho rằng biểu thuế suất thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành được xây dựng trên nguyên tắc khi thu nhập tăng lên thì mức điều tiết cũng tăng tương ứng, bảo đảm tính hợp lý, thể hiện đúng bản chất điều tiết thu nhập của thuế. Người nộp thuế ở mức 35% hầu hết là người có thu nhập rất cao (thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng, trên 960 triệu đồng/năm). Mặt khác, nếu so sánh với một số nước trên thế giới thì mức thuế suất 35% cũng là hợp lý. Nếu điều chỉnh mức thuế suất có thể sẽ làm giảm thu thêm khoảng 850 tỉ đồng (năm 2013) và khoảng 2.200 tỉ đồng (năm 2014), ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu.
Nên tiếp tục miễn thuế đến trước 1.7.2013 ĐB Cao Sĩ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN): Trong phiên thảo luận trước, nhiều ĐB đề nghị luật thuế nên có hiệu lực sớm từ 1.1.2013 để chia sẻ với người nộp thuế trong giai đoạn khó khăn. Cũng có ĐB đề nghị nếu có hiệu lực từ 1.7.2013, thì Nghị quyết 29/2012/QH13 về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, trong đó miễn thuế TNCN bậc 1 từ 1.7.2012 đến 31.12.2012 nên kéo dài thêm trong năm 2013. Sau ý kiến này, tôi cũng nghe Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích với các đại biểu, việc miễn thuế TNCN sẽ được kéo dài sang năm 2013. Tuy nhiên, tôi cũng còn băn khoăn vì sau đó không thấy nội dung này trong Nghị quyết kinh tế xã hội 2013, trong Nghị quyết dự toán và phân bổ ngân sách hay bất cứ nghị quyết nào. Quan điểm của tôi là vẫn nên miễn thuế cho cá nhân nộp thuế ở bậc 1 theo nghị quyết trước đó, vì năm sau dự báo kinh tế sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, cần phải tiếp tục chia sẻ với người nộp thuế chủ yếu có thu nhập bằng tiền công, tiền lương. ĐB Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM): Lẽ ra QH nên thông qua luật thuế trước khi thông qua dự toán ngân sách 2013. Bởi thông qua dự toán trước, sau đó mới thông qua luật thuế thì sẽ rất khó để quyết thời điểm có hiệu lực sớm. Nếu giả sử có hiệu lực vào 1.1.2013 thì lấy đâu tiền bù 6.000 tỉ đồng. Nhưng tôi cũng cho rằng nếu người nộp thuế tiếp tục được miễn thuế TNCN giống nội dung của Nghị quyết 29 trước đó thì thời điểm luật có hiệu lực vào 1.7.2013 cũng là hợp lý. |
Anh Vũ
>> Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi): Nên áp dụng từ 1.1.2013
>> Cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%
>> Sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
>> Trợ cấp thai sản không bị tính thuế thu nhập cá nhân
>> Sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân: Góp ý bị bỏ ngoài tai
>> Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân: Nuôi con thì khỏi nuôi cha mẹ !?
Bình luận (0)