Thành lập HTX nhờ... học lóm
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi anh thanh niên có giọng nói nhã nhặn, phong cách điềm đạm lại là Chủ nhiệm HTX Kim Ngân, người đã đưa cây lục bình của mảnh đất Hậu Giang xuất khẩu ra các nước.
Anh Út cho biết gia đình đông anh em nhưng chỉ có vài công ruộng nên làm không đủ ăn. Hết cấp 2, anh phải nghỉ học, đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. “Tôi đã làm nhiều nghề, nhưng chỉ đủ lo cho bản thân. Năm 2008, gần nhà có một tổ hợp tác gia công đan lát lục bình, mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường qua xem mọi người làm, dần dà thấy cái nghề này cũng tương đối dễ làm. Mỗi ngày tôi “học lóm” một ít, rồi lấy lục bình tập tành đan thử”, anh Út kể lại.
Khi tay nghề đã cứng cáp, anh Út bắt đầu lấy hàng về nhà gia công. Lâu dần rồi cũng quen tay, sản phẩm ngày càng hoàn chỉnh, đa dạng.
Theo anh Út, nghề này làm một mình cũng được nhưng nếu có nhiều người cùng chung sức thì sản phẩm mới có cơ hội đi xa. Được mấy người quen trong Liên minh HTX H.Long Mỹ khuyến khích, anh Út quyết tâm đứng ra thành lập HTX đan lục bình. “Tôi nghĩ nếu cứ làm gia công mãi không khá lên được, nên quyết định “làm liều” đứng ra thành lập HTX Kim Ngân vào đầu năm 2009 với 13 xã viên”, anh Út nói.
Lúc mới thành lập, HTX Kim Ngân gặp không ít khó khăn, từ vốn đầu tư, nguồn hàng, nhân công, kinh nghiệm trên thương trường đến đầu ra sản phẩm… Vượt qua nhiều trở ngại, đến cuối năm 2010, HTX mới thực sự đi vào hoạt động có hiệu quả.
|
Tạo việc làm cho người nghèo
Bình quân, mỗi tháng HTX Kim Ngân giao mấy chục ngàn sản phẩm lên TP.HCM để các đối tác xuất đi nước ngoài. Anh Út cùng các xã viên phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nguyên liệu, đối tác đặt hàng… Để có đủ nguồn nhân công, HTX Kim Ngân đã hợp tác với ngành LĐ-TB-XH tuyển sinh đào tạo lao động, gắn với giải quyết nhu cầu việc làm ở địa phương. Chị Nguyễn Thị Mai, học viên ở xã Lương Tâm (H.Long Mỹ), hồ hởi nói: “Công việc đan lát rất phù hợp với chị em phụ nữ. Nhờ có HTX Kim Ngân mà bà con ở đây có nguồn thu nhập ổn định, bình quân mỗi ngày kiếm được không dưới 150.000 đồng/người”.
Ông Nguyễn Văn Tính, cán bộ phụ trách dạy nghề Phòng LĐ-TB-XH (H.Long Mỹ), cho biết: “Nhiều năm qua, các sản phẩm làm từ lục bình của HTX Kim Ngân đã tạo được uy tín ở thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, HTX cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương, giúp nhiều học viên thoát nghèo bền vững. Bởi vậy, anh Út rất được người dân ở đây yêu mến và tín nhiệm”. Không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong huyện, HTX Kim Ngân còn tạo điều kiện cho người lao động ở một số địa phương khác, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho bà con nghèo. Điều mà anh Út đang trăn trở là HTX muốn vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, đề án đã lập từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Nguyễn Đức
Bình luận (0)