Theo một tài liệu tối mật mà NBC News có được, lực lượng chiến tranh mạng của quân đội Mỹ đã xâm nhập vào mạng lưới điện, viễn thông và hệ thống chỉ huy của Điện Kremlin. Điều này khiến các hệ thống của Nga có thể dễ dàng bị Mỹ tấn công mạng nếu cần thiết.
NBC News cho biết các quan chức Mỹ đang lo ngại Nga có thể sử dụng năng lực trong không gian mạng để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Mỹ. Giới tình báo Mỹ không dự tính Nga sẽ tấn công vào các hạ tầng quan trọng của Mỹ vì như vậy chẳng khác nào gây chiến, tuy nhiên họ cho rằng tin tặc Nga có thể tung ra những tài liệu giả hoặc lập các tài khoản ma trên mạng xã hội để phát tán những thông tin thất thiệt.
Ngày 4.11, tin tặc được biết với tên “Guccifer 2.0” mà giới chức Mỹ cho là thuộc mặt trận ngoại vi của tình báo Nga, đã đăng lời đe dọa sẽ theo dõi cuộc bầu cử Mỹ “ngay trong lòng hệ thống”. Trước đó NBC News ngày 3.11 đưa tin chính phủ Mỹ đang tập trung nguồn lực để đối phó với những mối đe dọa tấn công mạng nhằm vào các hệ thống liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ ngày 8.11. Đây là điều chưa có tiền lệ trong các cuộc bầu cử tổng thống.
Các quan chức Mỹ nói rằng các vũ khí kỹ thuật số (cyber weapon) sẽ chỉ được sử dụng trong những trường hợp Mỹ bị tấn công một cách nghiêm trọng. Theo các quan chức tình báo cấp cao Mỹ, nếu Nga tiến hành các cuộc tấn công mạng đáng kể nhằm vào các hạ tầng cơ sở quan trọng của Mỹ thì Mỹ sẵn sàng đánh sập một số hệ thống của Nga, như một hành động tự vệ.
Nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ của Tổng thống Barack Obama thường hết sức miễn cưỡng mới có hành động trên không gian mạng, tuy nhiên vẫn cảnh báo đáp trả nếu Nga định tấn công mạng để phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga tấn công mạng nhằm tác động đến cuộc bầu cử Mỹ, tuy nhiên chính phủ Nga bác bỏ cáo buộc này.
Giới chức quân đội Mỹ thường khẳng định Mỹ đang sở hữu khả năng lực trong không gian mạng tiên tiến nhất trên thế giới, nhưng không nêu chi tiết về các vũ khí kỹ thuật số bí mật của mình.
Chuyên gia James Lewis của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) cho biết Mỹ nhiều năm qua vẫn xâm nhập vào hệ thống hạ tầng của các nước như Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, tương tự chiến dịch trinh sát trong quân sự.
Quan chức Mỹ lâu nay vẫn công khai nói rằng Nga, Trung Quốc và các nước khác từng len lỏi vào các hệ thống hạ tầng quan trọng của Mỹ và để lại những những phần mềm độc hại. Nhiều người tin rằng Mỹ cũng hành động tương tự.
|
Cựu tư lệnh NATO ở Châu Âu James Stavridis khẳng định Mỹ được trang bị đầy đủ mọi thứ để có thể đáp trả mọi cuộc tấn công mạng. Ông nói: “Theo tôi, có ba điều chúng ta nên làm tùy mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công. Thứ nhất, hiển nhiên là phản ứng tự vệ; thứ hai là công khai sự kiện đã xảy ra và lật mặt tin tặc; thứ ba là phản ứng lại một cách tương xứng”.
Thật ra, chuyện Mỹ tấn công mạng liên quan đến vấn đề quân sự không phải chưa từng xảy ra. Hồi năm 2003, cùng với việc đưa quân vào Iraq, tình báo Mỹ đã thâm nhập vào các mạng lưới của Iraq và gửi đi những thông điệp hối thúc các tướng quân đội Iraq đầu hàng, đồng thời tạm thời ngắt điện ở thủ đô Baghdad.
Trong năm 2009 và 2010, Mỹ hợp tác với Israel trong việc tung ra cái gọi là Stuxnet, một vũ khí kỹ thuật số được thiết kế nhằm phá hủy các máy ly tâm của lò phản ứng hạt nhân ở Iran.
Còn hiện nay, Mỹ tiếp tục sử dụng các chiến dịch trên mạng chống lại các mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cụ thể, Mỹ dùng mạng xã hội để tìm vị trí của các tay súng IS, đồng thời gửi đi những chỉ thị giả để đánh lạc hướng IS.
Bình luận (0)