Hiện tại, hãng General Dynamics (Mỹ), nhà sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams cho quân đội Mỹ, và Công ty BAE Systems (Anh), nổi tiếng với dòng xe chiến đấu bộ binh Bradley, đang cạnh tranh quyết liệt để giành hợp đồng sản xuất loại xe GCV thế hệ mới nói trên. Theo dự đoán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) thì giá trị của hợp đồng này có thể lên đến 29 tỉ USD.
Lục quân Mỹ hiện đã hoàn thành giai đoạn đấu thầu hợp đồng phát triển dòng xe chiến đấu thế hệ kế tiếp này. Theo đó, Lầu Năm Góc sẽ chi 450 triệu USD cho BAE Systems và 440 triệu USD cho General Dynamics để thiết kế và phát triển mẫu thử cho GCV tương lai. Dự kiến đến năm 2019 sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt và chuyển giao cho các Lữ đoàn Thiết giáp của Quân đội Mỹ để thay thế cho các đơn vị IFV M2 Bradley và Stryker hiện có.
Loại xe chiến đấu thế hệ mới lý tưởng này có đủ chỗ cho tốp lính đánh bộ 9 người trong khoang chở quân thay vì 7 như dòng xe chiến đấu bộ binh Bradley và nặng vào khoảng 70 tấn, có nghĩa là gấp đôi so với Bradley và tương đương với xe tăng Abrams.
|
Theo đề xuất của BAE Systems với sự hợp tác của Tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ) thì đây sẽ là loại phương tiện chạy trên mặt đất lớn nhất từng được sản xuất sử dụng công nghệ động cơ truyền động điện hybrid, hay còn gọi là động cơ tổ hợp hoặc động cơ lai.
Về phần mình, đại diện của General Dynamics hoài nghi về ý tưởng trang bị động cơ hybrid cho loại xe chiến đấu lớn như vậy. Nhưng theo Venkat Srinivasan, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực tích trữ năng lượng, có nhiều lý do cho thấy cách tiếp cận của BAE Systems là khả thi.
Venkat Srinivasan cho rằng với những loại phương tiện tiêu hao nhiều nhiên liệu như vậy thì công nghệ hybrid sẽ rất có ý nghĩa. Ông lưu ý thêm là loại phương tiện lớn và nặng đó sử dụng nhiên liệu vừa đủ để đáp ứng chi phí cho hệ thống điện nguồn, tạo nhiều không gian hơn cũng như khả năng giảm nhu cầu năng lượng khi động cơ hoạt động ở tốc độ thấp, là điều mà chỉ động cơ điện có thể làm được.
Trong hầu hết thời gian, năng lượng của chiếc GCV thế hệ mới do BAE đề xuất là từ các máy phát diesel cung cấp điện năng cho động cơ và các pin nguồn. Vào những thời điểm cần thêm năng lượng như khi tăng tốc thì các pin nguồn này sẽ tham gia hoạt động.
Theo BAE, chiếc GCV thế hệ mới này sử dụng nhiên liệu ít hơn từ 10% đến 20% so với loại phương tiện có cùng kích thước sử dụng động cơ thông thường. Nhưng do sở hữu một khối lượng khủng như vậy nên cảm giác nó vẫn không hiệu quả mấy so với những loại phương tiện khác. Mặc dù sử dụng công nghệ hybrid với bồn nhiên liệu 255 galon (850 lít) nhưng xe không thể chạy quá 300 km nếu không được tiếp thêm nhiên liệu, công ty cho biết thêm.
Nhưng đối với quân đội thì dù chỉ tiết kiệm được thêm một ít nhiên liệu cũng là quá quý giá bởi những nguy cơ khi vận chuyển nhiên liệu qua vùng chiến sự. Binh sĩ và khí tài đi theo bảo vệ các đoàn xe chở nhiên liệu sẽ được điều sang nhận những nhiệm vụ khác quan trọng hơn, và hơn nữa các quan chức Lầu Năm Góc từ lâu cũng đã kêu gọi quân đội cần phải tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Ngoài ra, trong khi một động cơ đốt trong thông thường cần phải đạt đến một vài ngàn vòng tua một phút trước khi bắt đầu hoạt động hiệu quả, thì một động cơ điện có thể tạo ra mô-men xoắn ngay lập tức. Nhờ vậy, các phương tiện sử dụng động cơ truyền động điện có khả năng tăng tốc tốt hơn.
|
BAE cũng đang chào hàng thêm chức năng tàng hình cho loại xe chiến đấu thế hệ mới này. Theo công ty, kíp lái có thể tắt máy phát điện hoàn toàn và khởi động bộ cảm biến cùng các thiết bị thông tin liên lạc của xe bằng các pin nguồn độc lập trong khi quan sát đối phương. Ở trạng thái này, xe sẽ im lìm và tỏa ra rất ít nhiệt.
Tuy nhiên, vẫn còn chưa rõ liệu khả năng chạy không tải bằng bộ pin nguồn như vậy có phải là lựa chọn thực tế cho các chỉ huy chiến trường hay không. Bởi vì BAE không được phép tiết lộ thời gian hoạt động của bộ pin nguồn trong giai đoạn này, một đại diện của công ty cho biết. Và công ty cũng không tiết lộ mức độ tích trữ điện năng cũng như khối lượng của các pin nguồn, vì đây là những thông tin mà qua đó có giới chuyên môn thể dự đoán được độ bền của nó.
Trong khi một chiếc xe hơi sử dụng công nghệ hybrid có thể thu hồi một số động lượng của xe như khi người lái đạp phanh, thì các bánh xích của xe tăng tự nhiên sẽ tạo động lượng tịnh tiến nhiều hơn so với bánh xe hơi, do đó làm hạn chế khả năng thu hồi năng lượng.
Giám đốc dự án tại General Dynamics, Bob Sorge, cho biết công ty của ông đã quyết định không đưa công nghệ động cơ hybrid vào trong đề xuất vì "Chúng tôi thấy nó không có ý nghĩa gì khi đem ra áp dụng đối với loại phương tiện đặc thù này" ông nói, “và ngoài ra còn vì một số lý do khác nữa”.
Thay vào đó, công ty của ông có kế hoạch sử dụng loại động cơ và hộp số đã được sản xuất và sử dụng trong các loại xe chiến đấu khác, vì nó có thể cho phép quân đội dự trù được chi phí một cách chính xác hơn.
“Mọi người có thể dự đoán rốt cuộc nó sẽ tốn kém bao nhiêu bởi chưa có tiền lệ, nhưng dù sao đó cũng chỉ là phỏng đoán mà thôi", ông nói.
Sorge cho biết thêm nếu đề xuất của General Dynamics được chấp nhận, thì mỗi chiếc xe chiến đấu thế hệ mới này sẽ có giá vào khoảng 9 triệu USD. Trong khi đó, Phó chủ tịch BAE Mark Signorelli lại dự đoán mỗi chiếc GCV sử dụng động cơ hybrid sẽ có giá dao động từ 9,5 đến 11 triệu USD.
Chi phí cho các dự án mua sắm khí tài quân sự trước giờ nổi tiếng là khó dự đoán, và thường vượt ngân sách khoảng 50%, như Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đã lưu ý trong một báo cáo chỉ trích kế hoạch thay thế xe chiến đấu Bradley của quân đội mới đây. CBO đặt câu hỏi tại sao lục quân Mỹ lại cần một chiếc xe lớn như vậy và đề nghị quân chủng này cân nhắc giữ lại xe Bradley hoặc mua một trong hai mẫu mới và nhỏ hơn đã được phát triển cho quân đội Đức và Israel gần đây.
Nguyên Giang
>> Xe tăng hạng nặng Armata
>> Châu Á chạy đua trang bị xe tăng
>> Thái Lan giục Ukraine giao xe tăng
>> Campuchia mua 100 xe tăng, 40 xe bọc thép
>> Nga sẽ thử nghiệm xe tăng mới trước một năm
>> Indonesia mua xe tăng của Hà Lan
Bình luận (0)