Xe tăng hạng nặng Armata

06/04/2013 08:50 GMT+7

(TNTS) Chiếc xe tăng hạng nặng Armata của Nga sẽ ra mắt chậm hơn dự kiến nửa năm, báo Izvestia đưa tin. Thông tin này ngay lập tức có phản hồi ngược lại và gây những quan ngại cho giới chức quân đội Nga.

>> Nga sẽ thử nghiệm xe tăng mới trước một năm

Sẽ ra mắt đúng thời hạn?

Izvestia dẫn nguồn tin từ Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho hay, thời hạn bàn giao chiếc Armata phải lùi lại gắn liền với vấn đề phát sinh bởi hệ thống kính ngắm và hệ thống điều khiển vũ khí của nó.

Để giải quyết vướng mắc trên, các nhà thiết kế của Armata dự kiến sẽ ký hợp đồng cung cấp hệ thống kính ngắm với Hãng Peleng của Belarus.

Nhà máy Uralbagonzavod là đơn vị thiết kế chiếc Armata, còn thiết kế hệ thống kính cho chiếc tăng đầy tham vọng này là Tập đoàn Shabe của Nga. Trước đây theo kế hoạch dự kiến, chiếc Armata hình mẫu sẽ được giới thiệu tại triển lãm vũ khí ở Nizhny Tagil vào tháng 9.2013. Tuy nhiên do chậm trễ trong việc cung cấp hệ thống kính ngắm, chiếc tăng này sẽ chỉ được giới thiệu kín cho một số quan chức xem, hoặc sẽ giới thiệu nó trên màn hình.

Trong khi đó, theo Izvestia, đại diện của Tập đoàn Shabe cho biết, việc trục trặc hệ thống thấu kính là do các nhà thầu phụ. 

Còn đại diện Hãng Peleng chuyên sản xuất hệ thống điều khiển vũ khí cho tăng T-90S cho hay hãng sẵn sàng hợp tác với Uralbagonzavod trong dự án Armata, nhưng lại nhấn mạnh cho đến nay chưa thấy phía Nga đưa ra lời đề nghị.

Trong khi đó, đại diện chính thức của Nhà máy Uralbagonzavod - ông Aleksei Zarich khẳng định: Việc thiết kế Armata vẫn đang theo đúng tiến độ và không có gì phải thay đổi trong dự án này. Aleksei Zarich nói, không có sự thay đổi thời hạn về việc ra mắt của chiếc tăng hạng nặng Armata.

Cần nhắc lại, chiếc tăng hạng nặng Armata được sản xuất nhằm thay thế cho các loại tăng chiến đấu hiện hành của Nga như T-72, T-80 và T-90. Vào tháng 12.2012, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố, cơ quan này vào năm 2014 sẽ đặt hàng mua của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga 16 chiếc tăng Armata. Những đạo quân đặc biệt sẽ đảm trách vận hành loại tăng mới. Lịch trình của dự án là đến cuối năm 2013, mô hình mẫu đầu tiên chiếc Armata sẽ ra đời và từ năm 2015 nó sẽ được biên chế vào quân đội Nga.

Hoàn toàn khác với tăng phương Tây

Hiện nay trên thế giới không có quốc gia nào, ngoài Nhà máy Uralbagonzavod của Nga, chế tạo và sản xuất hàng loạt xe tăng hạng nặng. Các loại tăng hạng nặng của nước ngoài hiện chủ yếu được sửa chữa, nâng cấp, ông Oleg Sienko - Tổng giám đốc Nhà máy Uralvagonzavod - cho biết. Ông nói: “Có nước sửa chữa nâng cấp chiếc tăng đến lần thứ 7, thậm chí có nước đã là lần thứ 12”. 

Đây được cho là mô hình của chiếc tăng Armata
Đây được cho là mô hình của chiếc tăng Armata - Ảnh: nvo.ng.ru 

Như vậy, thiết kế Armata đã tạo nên chiếc tăng mới và hoàn toàn khác biệt so với các loại xe tăng của phương Tây. Armata có cấu tạo rất riêng biệt mà không loại tăng nào hiện nay sánh nổi. Chẳng hạn, xe có thể thích ứng với 30 kiểu loại vũ khí, kể cả gắn pháo loại 152 ly, hay tên lửa đất đối không... Nó sẽ có cả động cơ trước và động cơ phía sau, tùy theo yêu cầu thực tế.

Điểm đáng lưu ý là trên nền tảng của chiếc Armata, nhà sản xuất có thể sản xuất nhiều loại xe khác như xe tăng hạng nhẹ, xe chiến đấu dành cho bộ binh, xe bọc thép, hệ thống pháo tự hành, xe phá mìn, xe bảo vệ đặc biệt. Chiếc tăng này có hệ thống điều khiển vũ khí bằng kỹ thuật số và tháp pháo tự động hóa. Ông Oleg Sienko khẳng định, Nhà máy Uralbagonzavod sẽ ứng dụng các công nghệ mới hoàn toàn khác so với các xe tăng trước đây, kể cả lớp vỏ mới gồm nhiều lớp làm tăng khả năng phòng vệ của chiếc tăng này.   

Khác với các loại tăng cũ, ê kíp lái của Armata sẽ được bố trí ở một khoang bọc thép riêng biệt, tách khỏi khoang động cơ và khoang đạn. Khoang này được thiết kế đặc biệt để chịu được đòn hỏa lực trực diện của đối phương. Như vậy, ê kíp lái sẽ được bảo vệ với độ an toàn cao và với khoang lái như thế, họ rất chủ động, linh hoạt trong tác chiến.

Tăng Armata sẽ có hệ thống điều khiển hoàn toàn bằng kỹ thuật số. Trong đó, hệ thống thông tin liên lạc với nhiều kênh được bảo vệ bằng chống chế áp và chặn thu nhờ vỏ giáp xe tăng, bởi không tín hiệu bên ngoài nào có thể xâm nhập được qua vỏ giáp. Như vậy, liên lạc giữa các tăng thủ được bảo vệ khỏi bị phá hoặc nghe trộm. Và tất nhiên đối phương cũng khó có thể nghe được hội thoại giữa các kíp lái, nhờ vậy, tác chiến của đơn vị xe tăng được bảo mật.

Chưa có câu trả lời cuối cùng

Việc thiết kế chiếc tăng Armata là một bước tiến dài của nền công nghiệp quốc phòng Nga. Bởi, với chiếc tăng này, thế hệ tăng mới của Nga sẽ được quy về một chuẩn mà không phải mỗi loại mỗi chuẩn như trước đây. 

Liên Xô trước đây không có nền kinh tế thị trường, nên các loại vũ khí, khí tài thường được thiết kế thông qua các cuộc thi. Khái niệm tập đoàn, hãng hầu như thời đó không tồn tại. Chủ nghĩa quân bình đã thắng thế khi các chuyên gia quân sự chọn các mẫu tăng mới. Kết quả là quân đội Xô Viết cùng lúc có nhiều loại tăng như T-64, T-72 và T-80. Đáng nói là các loại tăng này khá giống nhau về tính năng tác chiến, nhưng lại khác nhau khi cần phải sửa chữa, nâng cấp. Bởi chúng được sản xuất từ các nhà máy khác nhau: Kharkov (T-64), Nyzni Tagil (T-72 ) và Nhà máy Kirov (T-80).

Chiếc tăng T-95 hiện đại nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của quân đội Nga
Chiếc tăng T-95 hiện đại nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của quân đội Nga
- Ảnh: blogspot.com

Việc không quy về một chuẩn gây rất nhiều khó khăn khi muốn cải tiến, nâng cấp các loại tăng nói trên. Trước hết chúng đòi hỏi các giải pháp kỹ thuật khác nhau và đương nhiên chi phí tài chính cũng phải chia làm nhiều gói, gây tổn thất cho ngân sách quốc phòng.  

Đến năm 2000, Nga thiết kế chiếc tăng hạng nặng T-95 hoàn toàn mới, nặng gần 60 tấn và bắt đầu tiến hành thử nghiệm. Báo chí Nga khi đó đánh giá đây là chiếc tăng ưu việt nhất và sắp sửa được biên chế vào quân đội. Tuy nhiên, hơn 10 năm trôi qua, chiếc T-95 đã “biến mất” khi Bộ Quốc phòng Nga đánh giá nó không đáp ứng với yêu cầu. Và chiếc tăng Armata xuất hiện với những kỳ vọng mới.

Tuy nhiên, với sự thất bại của chiếc tăng T-95, truyền thông Nga và giới chức quân sự Nga khá thận trọng khi xuất hiện một tin “không thuận” như kiểu Izvestia đưa ra đối với tăng Armata. Họ tỏ ý nghi ngờ về tiến độ và thời gian hoàn thành dự án chiếc tăng đầy tham vọng này.

Sự quan ngại trên là hợp lý, bởi để có được các loại tăng Т-62, Т-64, Т-72, Т-80, Liên Xô trước đây đã phải mất hàng chục năm, thiết kế nhiều mô hình mới đạt được kết quả. Trong khi tăng Armata chỉ thiết kế và sản xuất hàng loạt trong khoảng thời gian ngắn nên khiến không ít người nghi ngờ.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp nhận 2.300 chiếc tăng mới. Nếu như việc sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2015, thì mỗi năm Nga phải sản xuất 460 chiếc tăng Armata. Liệu Nhà máy Uralbagonzavod có đảm đương được nhiệm vụ này?  

Có thể thấy, các quan ngại về chiếc tăng Armata là có thật. Nhưng nó có ra đời đúng dự kiến hay không thì phải chờ đợi. Có lẽ vào tháng 9 tới khi triển lãm vũ khí ở Nizhny Tagil khai cuộc thì mới có câu trả lời chắc chắn về chiếc tăng hạng nặng này.

Ngữ Tử Yên

>> Châu Á chạy đua trang bị xe tăng
>> Phần Lan chặn phụ tùng xe tăng từ Nga đến Syria
>> Thái Lan giục Ukraine giao xe tăng
>> Campuchia mua 100 xe tăng, 40 xe bọc thép
>> Israel điều lính, xe tăng đến Dải Gaza
>> Thổ Nhĩ Kỳ điều xe tăng đến sát biên giới Syria
>> Quân nổi dậy Syria “nhận xe tăng, tên lửa”
>> Đài Loan muốn mua xe tăng Mỹ
>> Indonesia mua 100 xe tăng Đức
>> Venezuela mua thêm 100 xe tăng T-72
>> Ấn Độ thử nghiệm xe tăng tấn công mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.