TP Hoài An là quê hương và nơi sinh thành của Ngô Thừa n - cha đẻ bộ sách Tây du ký, một trong 4 kiệt tác văn học kinh điển của Trung Quốc. Với chủ đề “Tây du ký và văn hóa truyền thống”, hội thảo thu hút hơn 100 chuyên gia nghiên cứu Tây du ký, các học giả và đại diện các đơn vị xuất bản đến từ Trung Quốc và nhiều nước như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Anh, Czech... Hội thảo do chính quyền TP Hoài An, Hội nghiên cứu văn hóa Tây du ký, Đại học Nam Kinh, Đại học Dương Châu, Hội Nghiên cứu tiểu thuyết đời Minh Thanh tỉnh Giang Tô, chính quyền quận Sở Châu, TP Hoài An, Học viện Sư phạm Hoài m phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, ngôi sao điện ảnh và truyền hình nổi tiếng Lục Tiểu Linh Đồng (vai Tôn Ngộ Không trong phim Tây du ký bản cũ) đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.
* Xin ông cho biết ý tưởng tổ chức Hội thảo văn hóa quốc tế về Tây du ký lần thứ nhất?
- Ý tưởng này đã được tôi nung nấu rất nhiều năm và đã mất 4-5 năm chuẩn bị. Đây là hội thảo quốc tế nhằm tập hợp các chuyên gia trong và ngoài nước cùng nghiên cứu về Tây du ký vì mỗi nước có rất nhiều cách nhìn nhận khác nhau, thậm chí trái chiều về tác phẩm này. Mặt khác, Tây du ký có ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc sống và văn hóa nhiều nước. Làm thế nào để hòa nhập tinh thần Tây du ký vào đời sống là vấn đề mà tôi và các học giả ở đây đều rất quan tâm. Chúng tôi dự định sẽ tổ chức hội thảo này định kỳ hai năm một lần.
* Với vai trò Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu văn hóa Tây du ký, ông có cảm thấy áp lực khi được giao trọng trách lớn trong việc tổ chức hội thảo này và muốn gửi gắm điều gì?
- Áp lực à, cũng có chứ. Nhưng nếu coi nửa đời trước của tôi chuyên đóng vai khỉ thì nửa đời sau, tôi muốn là sứ giả truyền tải lại văn hóa và tinh thần Hầu vương. Sau nhiều năm ròng rã đóng Tôn Ngộ Không, tôi cũng như kẻ lấy được kinh, ngộ ra được nhiều vấn đề, đặc biệt là triết lý nhân sinh “không nên đeo đuổi cái gì quá toàn mỹ. Kết quả như thế nào không quan trọng, quan trọng là tinh thần phấn đấu và sự kết hợp sức mạnh tập thể”. Tôi đã thu thập được rất nhiều bản dịch Tây du ký của nhiều thứ tiếng và nhiều sản phẩm đủ loại về tác phẩm này ở nhiều nước.
Từ đó, tôi nhận thấy sức ảnh hưởng của Tây du ký đối với văn hóa các dân tộc trên thế giới và cảm thấy trách nhiệm lớn nhất của mình là nên đem tinh thần Hầu vương vào đời sống để giải quyết những khó khăn, những điều không vui trong cuộc sống. Ngoài ra, việc tổ chức hội thảo cũng nhằm hướng mọi người cùng nghiên cứu về Tây du ký một cách đúng đắn, theo hướng tích cực, vì hiện nay có rất nhiều thể loại Tây du ký được cải biên, bóp méo trầm trọng những chi tiết kinh điển như: cho Tôn Ngộ Không yêu Bạch Cốt Tinh, cho Sa Tăng yêu đương...
* Là một người gắn bó cả đời với tác phẩm Tây du ký và thành công, ông cho rằng đó là duyên phận hay may mắn?
- Đó là duyên phận của gia đình tôi và tôi bị ảnh hưởng từ gia đình bởi cả nhà tôi 4 đời đều đóng vai khỉ. Tôi thấy phải có trách nhiệm đóng tiếp nhân vật này, muốn sống mãi với Hầu vương, không có cách lựa chọn nào khác. Tôi đã có phòng làm việc riêng ở Sở Châu, và muốn chuyển tới sinh sống đến già tại đây cùng tất cả những vật kỷ niệm liên quan tới Tây du ký mà tôi đã sưu tầm trong và ngoài nước.
* Nghe nói ông đã có kế hoạch sang các nước Đông Nam Á để giao lưu và ký tặng sách?
- Đúng vậy và nước đầu tiên mà tôi muốn tới là Việt Nam. Trước đây, tôi từng đến TP.HCM vào hè năm 1998. Ấn tượng về đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam vẫn còn sâu đậm trong tôi. Tôi mong chờ ngày được quay trở lại nước bạn để ký tặng sách Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây du (Chibooks và NXB Thời đại xuất bản tháng 5.2010) và giao lưu với khán giả yêu thích bộ phim này.
* Cảm ơn ông.
Diễn viên kinh kịch Nhật Bản Ishiyama Yuta tham dự hội thảo này cho biết, vốn say mê kinh kịch Trung Quốc, anh đã cất công sang nước này học thêm từ năm 1993 và ở lại từ đó tới nay. Hiện, anh là diễn viên kinh kịch người nước ngoài duy nhất làm việc tại Rạp kinh kịch quốc gia ở TP Bắc Kinh, chuyên đóng vai Tôn Ngộ Không. “Kinh kịch là một môn nghệ thuật rất khó, đóng vai Tôn Ngộ Không lại càng khó hơn rất nhiều nhưng tôi sẵn sàng hy sinh cả đời mình để thực hiện nó”, anh nói. |
Nguyễn Lệ Chi
(từ Trung Quốc)
Bình luận (0)