Ra đường tham gia bắt cướp giật, từng nhiều lần đối mặt với thủ phạm bị “ngáo đá” nhưng Bùi Ngọc Hùng, 30 tuổi, ngụ P.13, Q.10 (TP.HCM) vẫn không chùn tay.
Bùi Ngọc Hùng bắt cướp giật trên đường phố - Ảnh: nhân vật cung cấp |
“Hành hiệp” trên đường phố từ năm 2010, bắt hàng chục vụ cướp giật, trộm cắp, Hùng từng được Giám đốc Công an TP.HCM tặng giấy khen. Tuy nhiên, ẩn phía sau một thanh niên “bự con” như võ sĩ quyền anh hạng nặng và được bạn bè đặt biệt danh là “Hùng mập”, chúng tôi lại thấy thấp thoáng một “Hùng thư sinh” ở chàng “Lục Vân Tiên” này.
Cướp giật “chơi hàng đá”
Đang làm tiếp thị cho một hãng bia nên Hùng khá bận rộn với công việc, nhưng hễ rảnh lúc nào là Hùng rảo quanh các tuyến đường trên địa bàn TP để “săn” tội phạm cướp giật. Thời gian gần đây, Hùng kết hợp đi tuần với Phan Ngọc Sinh (29 tuổi), Nguyễn Trung Hiền (20 tuổi)... Những ngày cuối tuần nhóm của Hùng thường đi tuần suốt đêm.
Nhiều lần đối mặt với những tên cướp giật nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy, nhưng Hùng vẫn không ngán ngại. Có hôm nhóm của Hùng truy bắt 2 tên “đá xế” ở Q.Tân Bình. Hòng tìm cách thoát thân, một tên “ngáo đá” cầm dao tự rạch tay rồi đâm loạn xạ khiến một thành viên trong nhóm của Hùng bị thương phải vào bệnh viện theo dõi vì phơi nhiễm HIV. Hùng kể: “Tụi cướp giật bây giờ manh động lắm, rất liều vì chơi hàng đá quá nhiều. Đa số trước khi đi cướp giật, tụi nó chơi hàng đá hết, chơi rồi thì chẳng coi trời đất là gì cả, manh động hơn nhiều so với mấy năm trước. Tụi em bắt về phường, công an kiểm tra nhanh tình trạng sử dụng ma túy thì tụi nó đều dính hết. Rất là ớn!”.
Chúng tôi hỏi: “Có lúc nào anh em bị bọn cướp giật chống trả không?”. “Tụi em truy bắt thì bị đối tượng chống trả là điều bình thường. Có khi đi ngoài đường, bọn cướp giật trước đó từng bị em bắt hụt, nó kiếm chuyện trả thù, lấy cây phang em hoài. Đụng cảnh sát hình sự thì tụi nó không dám, chứ em cũng là người bình thường nên tụi nó luôn tìm cớ đánh. Mỗi lần bị “đụng” như vậy em tìm cách né, nhịn, chứ làm căng thì mang họa! Em chỉ mạnh dạn bắt quả tang tụi nó khi cướp giật thôi”, Hùng nói và kể thêm: “Mà bắt quả tang cũng rất khó, phải có đầy đủ tang vật, người bị hại, rồi mới đưa về phường tiếp tục xử lý được. Còn trường hợp có người bị hại mà không có tang vật thì cũng bó tay!”.
Theo lời kể của Hùng, nhóm của Hùng thường bàn bạc thống nhất cách đi “săn”. Phát hiện đối tượng tình nghi thì cả nhóm cùng bí mật đeo bám. Khi đối tượng “ra tay” liền có một thành viên ở lại với bị hại, các thành viên còn lại tổ chức truy đuổi. Thấy đối tượng vứt bỏ gì trên đường tẩu thoát thì có người dừng lại nhặt để làm bằng chứng. “Anh em vừa chạy vừa la: “cướp, cướp...” để người dân biết mà hỗ trợ thêm, vì tụi em cũng chỉ tay không. Đối tượng thì chạy kiểu bán sống bán chết, cố thoát thân, còn tụi em phải biết canh đường để tránh gây tai nạn. Có hôm truy đuổi 2 tên cướp giật ví của một người dân đứng mua trái cây ven đường ở Q.Gò Vấp, 2 tên cướp vừa rồ ga tẩu thoát vừa cầm cây lê nhọn hoắt đâm cố sát vào tụi em khi tiếp cận ở cự ly gần. May mắn là anh em né được”, Hùng chia sẻ.
Thấy người bị nạn là xông vào
Hùng kể, cũng có khi bắt cướp giật nhưng cảm thấy rất chạnh lòng. Có lần nhóm của Hùng đi tuần ở địa bàn P.14 (Q.Tân Bình) đã phát hiện và bắt được đối tượng giật túi xách đựng tiền của một người vừa rút ra từ trụ ATM. Đưa về trụ sở công an phường xử lý, đối tượng khai tên H., mới 17 tuổi, đang đi học. Sau khi thấy cha của mình bất ngờ có mặt ở công an phường, H. khóc: “Ba mua cho con hộp cơm...”. Cha của H. cứ đứng thất thần vì không ngờ con mình lại ra nông nỗi này. Hùng đến gần hỏi: “Sao chú không đi mua cơm cho thằng nhóc ăn cho khỏi đói bụng?”. Cha của H. vẫn cứ ngồi chần chừ: “Sáng giờ chú chưa chạy được cuốc xe nào cả...”. “Em móc trong túi, chỉ còn mấy chục ngàn à, em đưa cho cha H.”, Hùng nhớ lại và bày tỏ: “Tình cảnh gia đình đó rất éo le. Người cha nghẹn ngào lắm, bởi ổng không ngờ con mình lại như vậy. Ông cứ tưởng con mình đi học, nào đâu lại tụ năm tụ bảy làm chuyện không hay”.
Tôi hỏi Hùng: “Đi vậy có ai cho tiền không?”. Hùng đáp: “Tụi em đi vì muốn hỗ trợ người gặp nạn thôi. Trên đường đi tuần đôi lúc có anh em quen biết cho phiếu mua xăng. Tụi em đi làm để giữ chỗ làm cho nó ổn định thì mới có tiền đổ xăng đi tuần trên đường, sửa xe lúc bị hư hỏng”. “Nhóm mình làm vậy chắc giỏi võ?”. Hùng đáp: “Võ của tụi em đa số là võ biền thôi à. Khống chế cướp giật là la um sùm trời đất hết, la cho nhiều người dân biết để cùng hỗ trợ”.
“Em đi trên đường thấy người ta bị nạn hay gặp chuyện bất trắc thì xông vào hỗ trợ. Chưa có cơ quan thẩm quyền nào phong hiệp sĩ cho tụi em hết, chỉ có người dân gọi cho vui vậy thôi. Nếu bây giờ có phong thì em cũng không dám nhận. Em nghĩ ra đường bắt cướp, góp sức trấn áp tội phạm không phải để trở thành hiệp sĩ”.
Hùng nói đúng, mỗi người góp một phần làm cho ngọn lửa hào hiệp bùng lên, tỏa sáng, đẩy lùi được cái xấu thì chắc chắn ai cũng được hưởng sự yên bình, ấm áp từ ngọn lửa ấy.
Bình luận (0)