Từng nhận được hàng trăm giấy khen về thành tích bắt cướp nhưng cuộc sống rày đây mai đó nên bị thất lạc rất nhiều; hiện ông Trần Văn Hoàng chỉ còn lưu giữ 6 giấy khen của Giám đốc Công an TP.HCM tặng.
Anh Trần Văn Hoàng dũng cảm bắt cướp suốt 20 năm qua - Ảnh: Tân Phú |
Hôm qua 1.1 là ngày nghỉ Tết dương lịch nhưng vợ chồng ông Trần Văn Hoàng và bà Trương Thị Xí (cùng 50 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) vẫn tất bật bày bán nón trên đường. Ngồi bên vỉa hè đường Trường Chinh đoạn qua Q.Tân Bình, ông Hoàng kể về những lần bắt cướp của mình...
Ông nói, sau mấy chục năm rời quê ở xã Hoài Tân, H.Hoài Nhơn (Bình Định) phiêu bạt vào TP.HCM và “làm đủ thứ nghề” để mưu sinh, ngẫm lại ông thích nhất 2 việc, đó là làm tượng thạch cao và… săn bắt cướp. Việc làm tượng thạch cao ông đã truyền nghề lại cho anh vợ, riêng “nghề bắt cướp” thì đeo đuổi ông từ 1995 đến nay.
Xe đạp cà tàng bắt cướp xe máy
20 năm trước ông đâu có được chiếc xe máy để mỗi ngày vừa tranh thủ chạy xe ôm, vừa tham gia bắt cướp giật trên đường như bây giờ. Đi đâu ông cũng lọc cọc chiếc xe đạp cà tàng, vậy mà có hôm ông chở bạn đi trên đường Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình) lại bắt được một tên cướp xe máy.
Ông kể, hôm ấy đang đi, ông thấy người dân túa ra đường tri hô “cướp, cướp”. Mọi người bao vây nhưng không ai dám xông vào bắt vì tên cướp cầm 2 con dao quơ loạn xạ hòng thoát thân. Thấy vậy ông lập tức xông vào. Ông “bay lên” đá một phát mạnh vào cổ, kê tiếp đầu gối vào hông tên cướp làm tên này ngã gục, rồi nhanh như chớp ông tước 2 con dao trong tay tên cướp trước sự ngỡ ngàng của mọi người. “Nhà anh là nhà võ. Hồi còn nhỏ đã mê tập rồi. Bây giờ người thân của anh có người là võ sư”, ông chia sẻ. Cũng chính những “miếng” võ quê nhà đã giúp ông chiến thắng những tên cướp dữ tợn khi đối mặt trên đường phố, bảo toàn được tính mạng và bắt chúng giao nộp cơ quan công an.
Thậm chí, một lần vào cuối năm 2013, hai tên cướp giật từng bị ông rượt đuổi nhưng chạy thoát đã “nhớ mặt” ông và tìm đến chỗ vợ chồng ông bán nón trả thù. Lúc đó ông đang loay hoay sắp xếp nón trên giá treo thì 2 tên cướp cầm mã tấu lao đến chém. Vì bị tấn công bất ngờ bởi những kẻ cố sát, ông không tránh kịp hai nhát chém vào lưng, rất may là vết thương không nặng. Vợ ông, dù từng nhiều năm “đồng hành bắt cướp” với chồng khi nhắc lại chuyện này, vẫn còn cảm giác ớn ớn: “Gặp ảnh lanh lẹ chứ chậm chút là tiêu đời rồi. Chúng nó muốn truy sát nên đuổi chém xối xả, người bình thường thì không thể nào thoát”.
Hai tên cướp chém ông Hoàng trọng thương hôm đó đã nhanh chân tẩu thoát. Tuy nhiên gần 2 tháng sau, ông tự truy lùng và bắt được chúng ở Q.12, giao công an xử lý. “Sau này có dịp gặp lại 2 tên đó, nó cũng giơ tay chào: Chú, chú! Tụi con không còn “đi làm” nữa nghe chú!”, ông kể.
“Thấy chúng lộng hành thì ra tay thôi”
Dường như “sở thích” săn bắt cướp giật đã ngấm vào máu ông Hoàng, mặc dù bản thân ông thường xuyên đối mặt nguy cơ trả thù, hăm dọa “đòi xử”.
Chúng tôi hỏi “nguy hiểm rình rập vậy có sợ không anh?”, ông Hoàng không chút đắn đo: “Việc làm của mình là việc tốt nên tự tin. Mà nói thật, lúc đầu cũng sợ. Nếu có chết thì không sao, nhưng lỡ không may nằm một chỗ thì không ai lo. Thấy chúng lộng hành thì ra tay ngay thôi, chứ không thể làm ngơ được chuyện chướng tai gai mắt đó. Nói thật, làm ngơ không đành. Có lúc vợ bảo lớn tuổi rồi, thôi đừng đi bắt cướp nữa, nhưng mà cái máu nó vậy, không dứt được”.
Một thời trai trẻ phiêu bạt, trải qua bao gian nan cuộc sống nhưng dường như cái khó, cái khổ vẫn còn đeo bám lấy gia đình người đàn ông bán nón tốt bụng này. Suốt 20 năm qua ông đều ở nhà thuê, nay nơi này, mai nơi khác. Hôm gặp chúng tôi thì vợ chồng ông đang ở trọ trong một con hẻm nhỏ trên đường Trường Chinh với tiền thuê 3 triệu đồng/tháng. Vì điều kiện “thiếu trước hụt sau” nên lúc nào ông cũng đau đáu nhiều nỗi niềm. Rất nhiều năm rồi ông chưa về quê, dù rất muốn nhưng trong túi không có tiền. Mỗi lần từ TP.HCM về Bình Định, tiết kiệm kiểu gì cũng mất hơn 5 triệu đồng, trong khi công việc mưu sinh bây giờ chỉ đủ đắp đổi qua ngày.
“Ở trọ suốt 20 năm trời. Ở quê cũng khổ, vào TP.HCM cũng khổ nhưng bây giờ đâu biết thay đổi bằng cách nào, chỉ mong bình an qua được ngày nào quý ngày đó. Anh chị chỉ có một đứa con và luôn mong nó mạnh giỏi làm ăn, trưởng thành như mọi người”, ông Hoàng tâm sự. Cách đây 3 tuần, mẹ bà Xí vì tuổi già đã qua đời ở quê. Anh chị phải xoay xở đủ bề để về quê lo hậu sự cho mẹ. Ông đưa chúng tôi xem gần 10 tờ xác nhận chỉ trong 2 tháng vừa qua của công an phường ở Q.Tân Bình, Q.Tân Phú… về việc truy bắt quả tang, bàn giao những tên cướp giật tài sản của người dân cho cơ quan công an tiếp tục xử lý.
Và câu chuyện về hành trình 20 năm bắt cướp của người đàn ông giỏi võ cứ kéo dài không dứt. Chúng tôi thầm cầu chúc cho ông và gia đình một năm mới an lành, sẽ vơi bớt những nỗi lo toan trong cuộc sống nhiều nhọc nhằn hiện tại.
Bình luận (0)