Lùm xùm hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Bất cập quản lý, tổ chức thi

16/05/2024 07:17 GMT+7

Vụ lùm xùm liên quan hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bị Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận tổ chức 'trái phép', vi phạm quy định tại VN là một sự việc đáng tiếc, cho thấy những bất cập trong cách quản lý và tổ chức thi các chứng chỉ quốc tế.

Niềm tin của dư luận vào các tổ chức vốn đã xây dựng được uy tín nhiều năm như British Council (Hội đồng Anh), IDP… đã ít nhiều bị lung lay, gây hoang mang cho thí sinh và có những tác động tiêu cực nhất định đến uy tín của hệ thống giáo dục VN.

TRÁCH NHIỆM LỚN NHẤT VẪN LÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Nhưng trước hết, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan rằng những vụ "scandal" liên quan đến thi cử không chỉ xảy ra ở VN mà là vấn đề chung trên toàn thế giới. Kỳ thi càng quan trọng, càng có giá trị cao thì nguy cơ gian lận càng lớn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là có thể biện minh cho những hành vi vi phạm quy định, bởi lẽ mục đích của việc thi cử trước hết là đưa ra những bảo chứng về năng lực của người có chứng chỉ thông qua việc đảm bảo chất lượng bài thi và quá trình thi cử, bảo đảm tính công bằng và minh bạch cũng như sự giám sát nghiêm ngặt của toàn xã hội.

IELTS là chứng chỉ ngoại ngữ đang được quan tâm nhiều nhất tại VN

IELTS là chứng chỉ ngoại ngữ đang được quan tâm nhiều nhất tại VN

NGỌC LONG

Chính vì vậy, việc quản lý, giám sát chất lượng thi cử đối với những kỳ thi có tầm quan trọng cao như IELTS là hết sức cần thiết. Trong đó, tất cả các bên có liên quan đều có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm lớn nhất vẫn là cơ quan quản lý nhà nước, để có thể tạo niềm tin cho công chúng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giáo dục. Ở đây, người tiêu dùng giáo dục được hiểu theo nghĩa rộng mà trực tiếp là các thí sinh lẫn những người liên quan sẽ sử dụng chứng chỉ quốc tế như các trường đại học, các nhà tuyển dụng… và gián tiếp là toàn xã hội.

TỔ CHỨC KHẢO THÍ CẦN NGHIÊM TÚC, MINH BẠCH

Bên cạnh đó, các tổ chức khảo thí nơi cấp chứng chỉ cũng cần rất nghiêm ngặt và minh bạch về quy trình quản lý chất lượng thi cử của mình, và thường xuyên tự giám sát chất lượng để bảo vệ thương hiệu.

Điều này đã quá rõ ràng, tưởng không cần phải nói thêm, và dù có thể có những lý do khách quan dẫn đến việc đăng ký chậm trễ với cơ quan quản lý nhà nước, thì vẫn không thể nói là các tổ chức này vô can khi để cho những vụ việc lùm xùm như thế này xảy ra, bởi vì người chịu thiệt hại trước hết cũng chính là họ.

Hội đồng Anh lên tiếng về vụ cấp sai hơn 90.000 chứng chỉ IELTS và Aptis

Cho tới nay sự việc cũng đã tương đối rõ ràng, và dư luận cũng đã phần nào lắng dịu. Kết luận của thanh tra không phải là không chính xác nếu xét theo quy định của phía VN, vì bất cứ tổ chức nào hoạt động ở đâu, dù đã có sẵn uy tín tới đâu trên thế giới, thì vẫn phải tuân thủ các quy định của nhà nước nơi mình hoạt động. Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cũng đã khẳng định là những thí sinh có chứng chỉ đã được cấp trong thời gian này, nếu không có chứng cứ cho thấy có sự gian lận và sai sót trong việc tổ chức thi, thì vẫn được công nhận bình thường.

Mặt khác, các tổ chức thi cũng đã lên tiếng về giá trị của kỳ thi và sự công nhận các chứng chỉ đã cấp trên toàn thế giới. Điều này độc lập với việc các nơi tổ chức kỳ thi có tuân thủ quy định về đăng ký ở quốc gia sở tại hay không (vì trước khi có quy định về việc đăng ký thì các tổ chức này vẫn cho thi và cấp chứng chỉ bình thường, được công nhận trên thế giới). Vì vậy, thí sinh có quyền yên tâm là những chứng chỉ của mình là có chất lượng, dù những nơi tổ chức thi có thể bị xem là vi phạm hành chính. Tuy nhiên, giả sử khi việc điều tra tiếp tục có phát hiện những gian lận, sai sót, thì thật oan uổng cho những thí sinh không gian lận nhưng lại thi đúng vào kỳ thi có sai sót hoặc gian lận cố tình từ nơi tổ chức thi.

Phụ huynh tìm hiểu về kỳ thi IELTS tại ngày hội IELTS diễn ra ở TP.HCM vừa qua

Phụ huynh tìm hiểu về kỳ thi IELTS tại ngày hội IELTS diễn ra ở TP.HCM vừa qua

NGỌC LONG


LẤY LẠI NIỀM TIN VÀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI THÍ SINH

Cuối cùng, để ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai, lấy lại niềm tin của công chúng và bảo vệ quyền lợi của thí sinh, cần có sự chung tay góp sức của các bên liên quan.

Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức thi, hoàn thiện quy trình cấp phép và quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Đơn vị tổ chức thi cần nâng cao tính minh bạch trong quản lý, giám sát thi cử, áp dụng các biện pháp chống gian lận hiệu quả và đảm bảo tính công bằng cho kỳ thi.

Thí sinh cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, lựa chọn trung tâm uy tín và thi cử đúng quy định.

Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm cao, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ thống đánh giá năng lực ngoại ngữ minh bạch, công bằng và uy tín. 

Liên tục dính lùm xùm

Những năm gần đây, ngoài các vấn đề liên quan đến vụ việc hoãn thi IELTS trên cả nước vào tháng 11.2022 khiến không ít thí sinh dang dở kế hoạch học tập, kỳ thi này cũng liên tục vướng lùm xùm tại VN. Như hồi tháng 9.2022, Thanh Niên đã phản ánh sự sôi động của thị trường mua bán đề thi IELTS "thật" trên các trang mạng xã hội, với nhiều người bán rao giá hơn trăm triệu đồng mỗi đề.

Đến giữa năm 2023, Trường ĐH Y - Dược TP.HCM đột ngột thông báo không chấp nhận IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ khác cấp trước ngày 10.9.2022 trong quá trình tuyển sinh sau ĐH, khiến không ít người bức xúc. Ngay sau đó, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã ra công văn xác nhận những chứng chỉ trên có giá trị và nhà trường đã thay đổi yêu cầu trên nhằm bảo đảm quyền lợi thí sinh.

Mới đây nhất, vào tháng 4.2024, kỳ thi IELTS cũng vướng tin đồn "Cải cách kỳ thi nói" mà ngay sau đó đã bị đại diện IDP VN phủ nhận. Chưa kể, việc các địa phương cho phép dùng điểm thi IELTS để xét danh hiệu học sinh giỏi hay tuyển thẳng vào lớp 10 cũng gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Điều này buộc Bộ GD-ĐT hồi tháng 2 phải ra công văn yêu cầu các địa phương dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS. 

 Ngọc Long

Xôn xao vụ cấp chứng chỉ sai quy định

Tại VN, việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài (gọi tắt là chứng chỉ) được đề cập tại Nghị định 86/2018 (có hiệu lực từ 1.8.2018) của Chính phủ, trong đó nêu rõ thẩm quyền phê duyệt thuộc Bộ GD-ĐT. Song đến tháng 7.2022, Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư 11/2022 (có hiệu lực từ 10.9.2022) hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị làm đề án để trình Bộ GD-ĐT cấp phép.

Sau khi thông tư chính thức có hiệu lực, nhiều bên vẫn chưa làm hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ nên bị Bộ GD-ĐT "tuýt còi", phải đồng loạt dừng liên kết tổ chức các kỳ thi khác nhau như tiếng Trung (HSK, HSKK), tiếng Hàn (TOPIK), tiếng Nhật (Nat-test)... Đỉnh điểm vào đầu tháng 11.2022, Hội đồng Anh và IDP đồng loạt tuyên bố hoãn thi IELTS vô thời hạn, gây rúng động dư luận trong nước và quốc tế.

Ngày 8.11.2022, Bộ GD-ĐT có Văn bản số 5871 gửi các sở GD-ĐT, lưu ý hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tại VN chưa được quản lý chặt chẽ. Thời điểm đó, lý giải việc "tuýt còi" này, Bộ GD-ĐT cho rằng hoạt động của các đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ quy định của VN, dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ...

Sau 2 năm kể từ khi các đơn vị được Bộ GD-ĐT cấp phép trở lại, Thanh tra Bộ GD-ĐT mới đây lại kết luận Hội đồng Anh và IDP vi phạm Nghị định 86/2018, Thông tư 11/2022, đồng nghĩa việc cấp các chứng chỉ từ đầu năm 2022 đến trước thời điểm Bộ GD-ĐT phê duyệt (hơn 124.000) là sai quy định. Tuy nhiên, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) sau đó cũng cho biết các chứng chỉ bị cấp sai quy định được "sử dụng bình thường".

Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.