Lùm xùm ở Công ty Tân Lâm

05/11/2014 08:44 GMT+7

Người lao động và cổ đông ở Công ty CP nông sản Tân Lâm (gọi tắt là Công ty Tân Lâm, xã Cam Thành, H.Cam Lộ, Quảng Trị) hết sức bức xúc vì kiểu làm ăn khuất tất, gây nợ tràn lan của lãnh đạo công ty.

 

Dê thả rông trong khuôn viên Nhà máy chế biến mũ cao su của Công ty CP nông sản Tân Lâm -  Ảnh: Nguyễn Phúc

Tự phá hợp đồng với dân

 

Ông Hồ Văn Thiện, Kế toán trưởng Công ty Tân Lâm cho hay việc sử dụng từ “lỗ lũy kế” chắc là do đơn vị kiểm toán nhầm lẫn, đúng ra chỉ dùng từ “lỗ” thôi. “Thời điểm đó (năm 2012), chúng tôi lạc quan là do hàng (chủ yếu là cà phê) đã giao hết cho đối tác để xuất sang châu Âu, chỉ chưa chốt giá. Đùng một cái giá cà phê thế giới rớt giá thê thảm đúng trong 2 tháng cuối năm 2012 nên khi chốt được giá thì lỗ nặng”, ông Thiện nói.

Theo điều tra của Thanh Niên, từ năm 1995 đến 1997, Công ty Tân Lâm hợp đồng giao hơn 200ha đất ở H.Hướng Hóa (do công ty thuê của Nhà nước) cho 171 hộ dân để trồng cà phê với 2 chu kỳ, tổng cộng 20 năm. Theo hợp đồng ký kết thì trách nhiệm của công ty là phải đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Nhưng từ đầu năm 2013, công ty đã phá vỡ hợp đồng và không thực hiện các trách nhiệm nói trên dù vẫn thu tiền “phần cứng” (khoản mà người dân phải nộp lại cho công ty khi thu hoạch để đầu tư trở lại cho sản xuất) làm cho người dân “ngẩn ngơ”. Chưa hết, đến tháng 9.2014, các hộ dân mới tá hỏa khi biết toàn bộ tài sản trên đất (cụ thể là các vườn cà phê) của mình đã bị công ty cầm cố tại Ngân hàng NN-PTNT H.Cam Lộ để vay số tiền 40 tỉ đồng từ năm 2011. “Đất là của công ty nhưng cây cà phê trên đất là của chúng tôi. Ngoài vốn liếng chúng tôi còn bỏ công chăm bẵm mười mấy năm trời thế mà họ mang đi cầm không hề báo chúng tôi một tiếng, dù theo hợp đồng giao đất phải đến năm 2015 hoặc 2017 mới hết”, một hộ dân bức xúc nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Tường Lân, Gíam đốc công ty cho hay sỡ dĩ công ty “phá hợp đồng” với dân là do kinh doanh thua lỗ. Ông Lân cũng thừa nhận việc mang toàn bộ diện tích cà phê thế chấp để vay vốn mà không thông qua đồng sở hữu tài sản (người dân-PV) là sai. Nhưng lại phân bua: “Đã là doanh nghiệp thì cái chi thế chấp được để vay vốn là làm cái đã. Mà chúng tôi vay cũng là để có tiền phục vụ mục đích chung thôi (?)”.

Phơi nắng nhà máy tiền tỉ

Năm 2006, công ty xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su công suất 500 tấn/năm. Đến năm 2009, công ty đầu tư thêm 12,6 tỉ đồng để nâng cấp nhà máy lên 3.000 tấn/năm. Năm 2010, 2011 nhà máy được đưa vào sử dụng và chưa bao giờ hoạt động hết công suất. Đến năm 2012, nhà máy đóng cửa. Có mặt tại nhà máy ai cũng xót xa bởi cảnh tiêu điều, không bóng người, giờ chỉ còn bóng lợn, dê của những hộ dân lân cận thả rông. Ông Trần Xuân Tảo, cổ đông của công ty xót xa: “Tôi thực sự không hiểu căn cứ vào nguồn nguyên liệu nào ở địa phương mà các ông ấy cho xây dựng nhà máy công suất lớn thế này? ”. Về chuyện đầu tư nhà máy, ông Lân cho biết vào thời điểm 2009, tại Quảng Trị có ít nhà máy chế biến mủ cao su. Nhưng sau khi xây xong nhà máy, thì có rất nhiều đơn vị khác cũng làm nên cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là về nguyên liệu. “Chúng tôi đã không lường trước được diễn biến này nên mới đầu tư vậy”, ông Lân nói. Một tài sản khác của công ty nay đã bán cũng xảy ra việc lùm xùm là nhà máy chế biến cà phê Hướng Phùng (đóng tại H.Hướng Hóa). Bởi nhiều thông tin cho hay khi bán công ty đã không công bố rộng rãi, để rồi bán cho một tư thương với giá bèo bọt (1,5 tỉ đồng), 5 tháng sau, người này bán lại cho người khác với giá gấp 3.

Bức xúc lớn nhất theo cổ đông Nguyễn Văn Lễ thì trong báo cáo tài chính năm 2011 doanh thu công ty đạt 146 tỉ, lợi nhuận đạt 1,9 tỉ. Vậy nhưng báo cáo kết quả kiểm toán năm 2012 do Công ty kiểm toán và kế toán AAC thực hiện lại nêu “lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31.12.2012 là hơn 45 tỉ đồng”. “Lỗ lũy kế năm 2012 ở đâu ra khi năm 2011 lãi 1,9 tỉ?”, ông Lễ thắc mắc. Cũng theo ông Lễ, tại đại hội cổ đông ngày 24.10.2012, phía công ty báo cáo làm ăn có hiệu quả, cả năm ước đạt doanh thu 150 tỉ đồng, lãi hơn 2,5 tỉ. Nhưng sau hơn 2 tháng, kết quả kiểm toán nêu trên báo công ty lỗ hơn 45 tỉ đồng. Ông Lễ đặt nghi vấn điều gì xảy ra trong 2 tháng đó để gây nên con số lỗ, lãi chênh lệch khủng khiếp đó?

Hiện, tình cảnh của công ty là hết sức tồi tệ, kinh doanh thua lỗ, trong khi nợ ngân hàng quá nhiều, cộng thêm cổ đông nghi ngờ lãnh đạo làm ăn khuất tất... Trả lời chất vấn về trách nhiệm của ban lãnh đạo đã “chèo lái” công ty đến chỗ... thua lỗ, chồng chất nợ nần, thì ông Lân ví von: “Chúng tôi cũng đã làm hết sức... Giống như mình đi gửi chiếc xe cho người ta mà người ta làm mất thì thôi chứ biết sao”.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.