Điều đáng nói là điểm chuẩn vào các lớp tiếng Nhật, tiếng Đức ở các trường THPT này lại thường thấp hơn, thậm chí có năm thấp hơn rất nhiều so với điểm chuẩn vào các lớp tiếng Anh là ngoại ngữ 1. Do vậy, có một thực tế là có một bộ phận học sinh (HS), phụ huynh lựa chọn vào những lớp này chưa hẳn đã do yêu thích hay có mục tiêu rõ ràng trong việc sử dụng ngoại ngữ ấy, mà là do muốn có cơ hội dễ hơn để vào lớp 10 ở các trường THPT top đầu.
Hoặc trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, 25 học sinh lớp 12 chuyên tiếng Hàn của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng phải “cầu cứu” khi tiếng Hàn không phải là 1 trong 6 ngoại ngữ được thi trong quy chế thi tốt nghiệp THPT. Dù năm 2017, được sự đồng ý của các cấp quản lý, trường đã triển khai giảng dạy thí điểm tiếng Hàn từ năm 2017.
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm 2021, khi sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ đưa môn tiếng Hàn vào 1 trong 7 ngoại ngữ có tổ chức thi trong kỳ thi này để đáp ứng yêu cầu từ thực tế.
Hiện Hà Nội có hơn 10 trường THCS giảng dạy tiếng Nhật cho HS, nên số HS của 3 trường tiểu học học ngoại ngữ 1 là tiếng Nhật có thể học tiếp ngoại ngữ này ở cấp THCS có nhiều cơ hội lựa chọn. Từ cấp THCS lên THPT thì có 3 trường THPT công lập là Kim Liên, Việt Đức, Phan Đình Phùng; 1 trường THPT công lập tự chủ là Phan Huy Chú (Q.Đống Đa) có lớp tiếng Nhật là ngoại ngữ 1. Trong hệ thống trường THPT chuyên, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và THPT Chu Văn An có lớp tiếng Nhật.
Ngoài tiếng Nhật, các trường cũng đang thí điểm những ngoại ngữ khác nhưng mới chỉ là chương trình 7 năm, bắt đầu từ lớp 6 THCS. Ví dụ, với tiếng Đức, Hà Nội đang thí điểm ở 2 trường THCS Đống Đa và Trưng Vương; 2 trường THPT là Việt Đức và Kim Liên. Các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Hàn, Nga, Pháp (không kể hệ song ngữ) chỉ được thực hiện là ngoại ngữ 1 theo chương trình 3 năm ở một số trường THPT, tập trung nhiều ở các trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD-ĐT hoặc các trường ĐH.
Bình luận (0)