Lùm xùm việc Apple 'làm khó' bảo hành ở Việt Nam

02/08/2019 08:48 GMT+7

Apple vừa công bố áp dụng các điều khoản bảo hành mới đối với các thiết bị của họ tại thị trường Việt Nam. Theo đó, chủ nhân của iPhone, iPad, MacBook… sẽ bị từ chối bảo hành nếu không có hóa đơn mua hàng.

Theo chính sách mới của Apple, kể từ ngày 1.8, người dùng thiết bị của Apple sẽ chỉ được hưởng chính sách bảo hành chính hãng tại các trung tâm ủy quyền của Apple ở Việt Nam (AASP) nếu họ xuất trình được hóa đơn hợp pháp (có thể sử dụng ảnh chụp) ghi rõ nội dung series, IMEI và số hóa đơn (để kiểm tra chéo) của máy có xác nhận của Apple, kể cả khi gói Apple Care của máy vẫn còn hiệu lực. Nếu không, các trung tâm ủy quyền của Apple có quyền từ chối bảo hành hoặc chuyển qua tính phí dưới dạng khách vãng lai.

Chính sách bảo hành của Apple như thế nào?

Ngoại trừ tất cả các dòng MacBook, MacBook Pro, MacBook Air và cả dòng máy tính để bàn Mac Mini hay iMac đều mặc định được hưởng bảo hành toàn cầu. Còn lại, hầu hết các sản phẩm khác và đặc biệt là iPhone được Apple áp dụng chính sách bảo hành riêng dựa theo từng quốc gia và khu vực. Hầu hết iPhone đều được bảo hành tiêu chuẩn 1 năm, trừ một vài thị trường đặc thù như Thổ Nhĩ Kỳ (được Apple đặc cách bảo hành tiêu chuẩn 2 năm) hoặc mua thêm gói bảo hành mở rộng Apple Care.
Ngay tại Mỹ, đã có không ít người phản ánh trên diễn đàn của Apple rằng họ mua iPhone ở Mỹ nhưng khi ra khỏi nước này lại không được hưởng chính sách bảo hành ở nước thứ ba dù vẫn còn hiệu lực, buộc họ phải quay về Mỹ để bảo hành.
Quay lại với thị trường trong nước, ngoài máy tính của Apple, theo chính sách “chính ngạch” thì các trung tâm ủy quyền của Apple tại Việt Nam chỉ nhận bảo hành các sản phẩm của Apple được phân phối qua các kênh chính hãng. Tuy nhiên, có lẽ muốn mở rộng ảnh hưởng của mình tại thị trường phát triển nóng này nên Apple đã khá linh hoạt khi cho phép AASP hỗ trợ bảo hành (một số trường hợp) iPhone, iPad... xách tay, tạo ra nhiều tình huống may rủi và dở khóc dở cười khi đem hàng Apple xách tay đi bảo hành trong nước như nhiều người đã chia sẻ trên mạng.

Hệ quả tất yếu…

Đây không phải là lần đầu Apple sửa đổi chính sách bảo hành tại thị trường Việt Nam, nhưng là lần đầu tiên công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội. Qua động thái này, có lẽ Apple muốn siết chặt và dần tiến tới “giết chết” nguồn hàng xách tay vốn đang dồi dào ở thị trường Việt Nam. Điều này gián tiếp thể hiện qua chia sẻ của nhân viên hỗ trợ tại Thakral One - một trong số các dịch vụ ủy quyền của Apple tại Việt Nam, “riêng các sản phẩm của Apple được phân phối chính hãng (mã VN/A) qua các đại lý ủy quyền tại Việt Nam thì sẽ không bị yêu cầu xuất trình hóa đơn khi đi bảo hành”.

Nhân viên Thakral One Vietnam xác nhận thay đổi chính sách bảo hành với hàng xách tay

Ảnh chụp màn hình

Điều đó là dễ hiểu, bởi từ lâu nay, thị trường hàng xách tay ở Việt Nam luôn phát triển “nóng” song hành cùng hàng chính hãng với nguồn hàng dồi dào, có khi lấn lướt cả hàng chính hãng. Điển hình là trường hợp của smartphone thương hiệu Xiaomi vài năm về trước, do được xách tay về Việt Nam với mức giá rất rẻ nên hàng chính hãng trở thành ế ẩm, buộc thương hiệu này phải quy hoạch lại mức giá (chấp nhận giảm sâu) và kênh bán để qua đó dần “giết chết” hàng xách tay.
Apple cũng không tránh khỏi tình cảnh đó, thậm chí thị trường xách tay iPhone, MacBook, iPad và Apple Watch ở Việt Nam sôi động hơn tất cả các hãng khác. Trong đó có đủ loại hình hàng hóa "thượng vàng hạ cám", từ các mẫu tân trang “chính hãng”, xách tay nguyên seal, “hàng lock xài như quốc tế” cho tới các máy đã qua sử dụng và cả các máy được “phù phép” qua bàn tay thợ nhà nghề. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới doanh thu của Apple (và các đại lý chính hãng) cũng như uy tín của họ.
Thị trường Việt Nam với hơn 100 triệu dân tuy thu nhập chưa cao nhưng lại chuộng đồ “nhà táo” và tạo ra tiềm năng kinh doanh rất lớn cho Apple cũng như các đối tác của họ. Do vậy, dù bán chạy nhưng đã có không ít nhà phân phối và đại lý của Apple đứng ngồi không yên khi nhìn khách hàng vẫn nườm nượp ra vào các cửa hàng “chuyên bán hàng xách tay” nhỏ lẻ ở khắp nơi.
Và kết quả là Apple đã phải thay đổi chính sách bảo hành kể từ ngày 31.7 qua. Hiện chính sách này mới chỉ áp dụng với hàng xách tay, nhưng không loại trừ việc khi đã quen với chính sách mới có thể Apple sẽ mở rộng sang cả nhóm đối tượng khách hàng chính hãng ở trong nước.

Chính sách để bảo vệ Apple và đối tác

Theo anh Hải, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay ở Q.10 (TP.HCM), “dạo này có vẻ như “làm” hàng xách tay dễ quá nên ai mà ship (vận chuyển nguồn hàng) có tí vốn cũng đòi nhảy ra bán hàng luôn. Khiến các kênh phân phối chính hãng như FPT hay Thế Giới Di Động phải tìm cách tạo áp lực để buộc Apple phải thay đổi”. Anh cũng nhận định, điều này không chỉ làm khó các cửa hàng kinh doanh xách tay như anh mà cả với chính khách hàng của Apple, bởi vì không phải ai mua xách tay “chính chủ” ở nước ngoài về cũng giữ phiếu mua hàng, chưa kể nhiều người không có thói quen lưu lại hóa đơn do đã quen với “văn hóa” bảo hành thân thiện của Apple từ trước tới nay.
Trừ nguồn hàng trộm cướp, Apple cũng cần có trách nhiệm bảo hành với các sản phẩm mà họ đã bán ra (dù qua kênh nào đi chăng nữa), chưa kể có không ít người dùng hợp pháp đã không còn giữ hóa đơn hay phiếu mua hàng (do quy định trước đó không bắt buộc) cũng cần phải được tính tới. Vấn đề kiểm soát nguồn hàng xách tay một phần thuộc về các cơ quan quản lý ở quốc gia sở tại hơn là Apple, họ cần tạo ra sự bình đẳng chứ không phải là phân biệt đối xử và không có lý do gì Apple lại “siết chặt thủ tục” với riêng khách hàng tại Việt Nam.
Hiện tại, mức giá bán lẻ của các sản phẩm Apple tại Việt Nam đang rất cao, khó cạnh tranh với mức giá mà các tay buôn nhập sỉ từ các thị trường lân cận, trong khi người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chạy theo mức giá theo kiểu "nước chảy chỗ trũng” và họ sẽ ưu tiên chọn hàng xách tay nếu nó rẻ hơn. Đây cũng là bài toán đặt ra cho Apple, liệu họ sẽ chọn phương án “đặc cách giá” cho thị trường Việt Nam như Xiaomi đã từng làm hay siết chặt bảo hành để chặn đà phát triển của thị trường xách tay, có vẻ như họ đã chọn phương án thứ hai và là phương án người dùng lẫn giới kinh doanh xách tay không mong đợi.
Từ nay, người dùng Apple vẫn phải nhớ lưu lại hóa đơn mua hàng (có thể chụp ảnh lại) chứ không còn được hưởng chính sách bảo hành thoải mái như trước nữa. Nói cách khác, Apple đã tự tạo thêm khoảng cách với người dùng chỉ vì muốn gia tăng lợi nhuận của họ và các đối tác hơn là quyền lợi của người dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.